Hơn 40 năm đứng trên bục giảng, 26 năm sau khi về hưu gắn bó với các cô cậu học sinh còn nhiều khó khăn, thầy giáo già vẫn nhớ như in lời cha ông nhắn gửi “Chỉ những người thầy có tấm lòng cao thượng mới trở thành người thầy tốt”.
Câu chuyện của những tấm lòng cao thượngTrong con ngõ nhỏ, ngôi có không gian thoáng mát đến lạ của ngôi từ đường họ Nguyễn Đông Tác được xây dựng trong phần sân nhà thầy là nơi lớp học Hướng Thiện được hình thành và đã được thầy Trà mượn dùng làm nơi dạy dỗ cho các lớp học trò trong suốt 26 năm qua.
Thầy Trà vẫn miệt mài với các học trò. Ảnh: L.S
|
Thầy kể gia đình thầy có 13 đời dạy học nối tiếp nhau tính đã tới hơn 400 năm sinh sống trên mảnh đất làng Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội). Thầy luôn tự hào mình là học sinh trường Bưởi (trường Chu Văn An hiện nay), nơi mà theo thầy đã dạy dỗ những kiến thức vô cùng cơ bản nhưng vô cùng thấm thía giúp thầy cho tới tận ngày nay vẫn còn nhớ như in để truyền dạy lại cho các lớp học trò sau này.
Sau khi thi đậu đại học, thầy trở thành sinh viên khóa đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Vật lý, ông về các trường trên địa bàn Hà Nội dạy học, như THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Trãi… rồi về nghỉ hưu năm 1989.
Năm 1992, ông giáo về hưu bắt đầu mở lớp Hướng thiện, góp nhặt những đứa trẻ nghèo từ các bãi rác, xóm lao động về dạy chữ. Kể lại những ngày đầu dựng lớp, thầy Trà bỗng rớt nước mắt khi nhớ về lời dặn dò của mẹ trước khi mất phải biết cưu mang, đùm bọc những học trò có hoàn cảnh khó khăn như mẹ ngày bé.
Thời đấy, khu vực Phương Liên nơi thầy ở còn tiêu điều, xơ xác. Trong một lần tình cờ khi đi qua khu vực bãi rác gần hồ, thầy thấy nhiều em nhỏ ăn mặc rách rưới đang lang thang nhặt rác.Thầy tìm tới hỏi thăm các con về hoàn cảnh, việc ăn, việc uống rồi đem cho các con cơm ăn, áo mặc. Qua thời gian, các cậu bé từ Nam Định, Thanh Hóa… lên Hà Nội lang thang ấy dần thân thiết với thầy và gia đình, thầy mới hỏi các con có muốn học chữ hay không. Dần dần thấy cách thầy dạy học dễ hiểu, vui tươi lại được thầy cho ăn, cho mặc các trò rủ nhau đến học. Từ đó lớp học Hướng Thiện bắt đầu được mở ra.
Thầy Trà giải thích: “Gọi là lớp học hướng thiện, đến lớp nghĩa là thầy và trò đều phải tu dưỡng. Thầy tu đức, lòng thương người, còn trò học đạo làm người, hướng đến những điều tốt đẹp”. Bao nhiêu năm, Hướng Thiện không chỉ có công sức của thầy Trà mà còn gia đình của thầy, những người chòm xóm, bạn bè đồng nghiệp cùng ủng hộ vật chất và tinh thần cho thầy.
Thầy kể, mỗi học sinh đến với lớp học Hướng Thiện là một cảnh đời. Có trò bố mẹ mất cả, có trò bố mẹ ngồi tù vì trộm cướp, ma túy. Khi ấy, chỉ có tình yêu thương mới giúp dung dưỡng tâm hồn những đứa trẻ lang thang.
Nhưng tình yêu, tình thương chỉ đủ sức đưa các em đến lớp được một lần. Phương pháp giảng dạy dễ học, dễ hiểu, sự vui tươi, hóm hỉnh trong mỗi câu chuyện thầy trò mới là điều giữ chân các em mỗi tuần lại bỏ những việc mưu sinh tới lớp.
Cách giảng dễ hiểu rất đặc biệtVẫn không ngừng khâm phục những người thầy xưa đã dạy dỗ mình, theo thầy Trà, hơn 40 năm đứng trên bục giảng, 26 năm truyền dạy ở lớp học cho các học trò nghèo, thầy chỉ là người truyền lại những gì đã học được của các thầy cô năm xưa. Với thầy, từ những uốn nắn, những kiến thức căn bản nhưng gợi mở, dễ hiểu giúp thầy nhớ đến tận bây giờ chính là cách truyền dạy kiến thức tối ưu nhất. Trên thực tế, tại lớp học của mình, thầy Trà dù chuyên dạy Toán và Ngoại ngữ (thầy Trà thông thạo cả 4 ngoại ngữ (Pháp, Đức, Anh, Italy và biết chữ Hán) nhưng học trò gặp khó khăn các môn học khác như Lý, Hóa, Văn... là thầy cũng có tiết học “gỡ rối”.
Qua lời giảng của thầy, mọi phép tính khó đều quy về quả cam mẹ mua, cái bánh mẹ cho; mọi phần ngữ pháp tiếng Anh, tiếng Pháp khó nhớ đều đưa về những cách sử dụng thường ngày. Có lẽ vì thế kiến thức cũng dễ ngấm hơn, mỗi giờ học lại rả rích tiếng cười của thầy và trò.
“Dạy người như đi bắt sâu trong vườn cây, phải tỉa từng cái lá”- thầy Nguyễn Trà tâm niệm. |
Để khuyến khích động viên cho trẻ không phải là những câu chuyện xa xôi về các vĩ nhân của thế giới mà hãy từ chính những người bạn còn khó khăn nhưng đã biết vươn lên ngay bên cạnh các con. Những tấm gương của những người Việt Nam yêu nước, những nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam còn nuôi dưỡng thêm niềm tự hào dân tộc cho các con.