Tối ngày 17/10, lần đầu tiên, trong trang phục cô dâu - chú rể, 40 cặp đôi đã vượt qua nghịch cảnh để cùng bước vào giấc mơ có thật mà cả đời có lẽ họ chưa từng dám nghĩ đến: Đó là ngày cưới tập thể với chủ đề “Cau quyện trầu xanh".

Lễ cưới tập thể do NSND Kim Cương cùng các mạnh thường quân phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Long Biên Palace (quận Gò Vấp). Ngoài những phần quà do ban tổ chức chuẩn bị như 40 cặp nhẫn cưới, các cặp đôi còn được tặng nhiều quà tặng là thực phẩm, đồ gia dụng… và 5 triệu đồng tiền mừng.

Niềm hạnh phúc của các cặp đôi khi lần đầu được vui niềm vui cuộc đời trong bộ áo cưới.

Từ ngày về sống chung cùng nhau, chị Nguyễn Thị Mới (36 tuổi, quê Vĩnh Long) vừa là người “nâng khăn sửa túi”, vừa như “tiếng nói” của anh Ngô Tấn Lợi, bởi anh Lợi bị câm điếc từ nhỏ. Trong ngày cưới, hai vợ chồng liên tục dùng ký hiệu tay để giao tiếp với nhau và chị là người “thông dịch” lại với mọi người.

Chị Nguyễn Thị Mới tâm sự: "Tôi bị cụt một chân do tai nạn lao động. Nguồn sống gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương nghề may của tôi nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Quen nhau cả hai năm nay mà nào dám nghĩ chuyện cưới xin, vì ăn còn không đủ lấy tiền đâu làm đám cưới”.

Thấy gia đình khó khăn nên cán bộ xã đã giới thiệu hai vợ chồng tới chương trình lễ cưới tập thể do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Kim Cương tổ chức. Nghe tin được lên TP Hồ Chí Minh tổ chức đám cưới tập thể, cả đêm hôm đó hai vợ chồng không sao chợp mắt được vì vừa mừng, vừa lo. “Tuy nhiên, khi lên đây, thấy nhiều anh chị khuyết tật còn nặng hơn mình, càng cảm thấy mình còn may mắn và phải cố gắng hơn nữa để không phụ tình cảm mà mọi người đã dành cho vợ chồng mình hôm nay", chị Mới nghẹn ngào.

Hầu hết các cặp đôi khuyết tật được tổ chức đám cưới chung, đa số họ đã đăng ký kết hôn và sinh sống với nhau, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên họ không có điều kiện tổ chức đám cưới. Trong ngày cưới của mình, nhiều cặp đôi cũng đã cho những đứa con của mình cùng lên TP Hồ Chí Minh dự đám cưới ba mẹ.

Đám cưới của các cặp đôi còn có sự hiện diện của những đứa con thiên thần của họ.

Xúng xính trong bộ váy cưới cùng tay trong tay chồng trong bộ áo vét – những bộ đồ mà lần đầu tiên anh chị được mặc và cũng là niềm ao ước cả cuộc đời, chị Trần Thị Ngọc Thi và anh Phạm Tấn Liền dắt con gái nhỏ 5 tuổi tiến vào lễ đường. “Ngày lấy anh ấy, ai cũng bảo sao người lành lặn như tôi lại đi lấy chồng khuyết tật. Tôi nghĩ là duyên số vì gặp ông xã lần đầu đã yêu rồi. Hai vợ chồng ở quê làm nghề in thiệp cưới, ấy vậy mà đám cưới của mình thì chưa một lần tổ chức", chị Thi chia sẻ.

Có người may mắn được gia đình hai bên chấp nhận, nhưng đa phần họ bị gia đình phản đối kịch liệt bởi một người khuyết tật sống đã khó, cả hai vợ chồng đều không lành lặn, lại thiếu thốn trăm bề thì sẽ sống ra sao?. Đó là hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Cảnh và chị Trần Thị Chả, quê Đồng Tháp. Từ ngày hai anh chị quen nhau, anh chị đã bị gia đình hai bên phản đối tới tận ngày cưới.

Tất cả các cặp đôi đều cảm thấy lo lắng xen lẫn hạnh phúc khi lần đầu tiên được khoác lên mình bộ áo vest lịch lãm và chiếc váy cưới lộng lẫy.

“Hai vợ chồng đi bán vé số và gặp nhau ở Tiền Giang. Khi mình dắt vợ về ra mắt, bố mẹ hai bên phản đối kịch liệt. Ông bà hai bên liên tục nói: Một đứa không thấy đường, một đứa đi lại khó khăn, liệu khi lấy nhau thì biết chăm sóc nhau ra sao?. Tuy nhiên, đã là duyên nợ, dù có phản đối vẫn quyết tâm đến với nhau. Ngày vui, do bố mẹ hai bên phản đối nên anh chị chỉ dọn mâm cúng đơn sơ đặt giữa nhà để cúng trời đất, trước là để tạ đất trời đã se duyên, chứng giám cho tình yêu của hai vợ chồng, sau là để trời đất làm chứng cho đám cưới của bọn mình”, anh Cảnh cho biết. 

Theo anh Cảnh, từ ngày gặp vợ, anh như tìm được lẽ sống của cuộc đời. 2 vợ chồng ở với nhau được 6 năm, đã có con trai 6 tuổi, nhưng chưa bao giờ anh lớn tiếng với chị. Mỗi khi bán vé số về sớm, anh thường về nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa phụ vợ. Bởi theo anh Cảnh, đã là phụ nữ thì chỉ để yêu thương. Đối với anh, vợ mình không lành lặn thì mình càng phải dành nhiều tình yêu thương hơn cho vợ.

Trong lúc cha mẹ chuẩn bị làm lễ cưới, cậu con trai 6 tuổi của cặp đôi Hữu Hiếu và Bích Vân (quê Vĩnh Long) hết chỉnh lại vạt áo cho cha lại quay qua vén tóc cho mẹ. Chốc chốc, cậu lại nhìn vào bức hình cưới đặt bên cạnh, có lẽ, đây là lần đầu cậu được nhìn thấy tấm hình cưới của cha mẹ mình.

Không chỉ là đám cưới đặc biệt có con cùng đến dự, đám cưới của các cặp đôi khuyết tật còn là niềm hạnh phúc to lớn khi lần đầu tiên 2 người được mặc áo cưới. "Anh ấy bị mù do phỏng từ nhỏ, cả hai quen nhau cũng hơn 6 năm nay rồi. Ngày về chung nhà, gia đình cũng chỉ làm lễ gia tiên. Vì vậy,  đến nay, tôi mới biết cảm giác mặc váy cưới, điều mà người phụ nữ nào cũng mong muốn được mặc một lần trong đời", cô dâu Thiều Phước Thảo (32 tuổi) bẽn lẽn nép vào vai chú rể Huỳnh Lộc Thiện (42 tuổi, Tiền Giang) thổ lộ.

Anh Huỳnh Thiện Lộc và cô dâu Phương Thảo hạnh phúc khi lần đầu được mặc váy cưới.

Là người phụ nữ mang những niềm vui, hạnh phúc to lớn đến những cặp đôi khuyết tật, NSND Kim Cương tâm sự: “Ý tưởng tổ chức đám cưới tập thể xuất phát từ câu chuyện kể của Kim Tuyến - người đồng hành với cô trong nhiều hoạt động từ thiện, chủ sở hữu một cửa tiệm cho thuê áo cưới. Theo đó, Kim Tuyến thường bắt gặp một thanh niên khuyết tật bán vé số cứ nhìn chằm chằm vào những chiếc áo cưới mỗi khi đi ngang qua tiệm. Khi được hỏi, thanh niên này tâm sự có vợ cùng cảnh ngộ, cả 2 mơ một ngày được mặc áo cưới nhưng “chắc cả đời cũng không thực hiện được”.

Nghe câu chuyện này, bà nghĩ: Sao không tổ chức đám cưới tập thể cho những cặp đôi này? Nghĩ là làm, bà tập hợp chị em trong nhóm, phân mỗi người một việc và hoạt động được khởi xướng vào năm 2015. Đến nay, đã có hơn 150 cặp đôi được chương trình giúp đỡ tổ chức đám cưới miễn phí. Một điều mà đối với nhiều người chỉ dám mơ mộng.

Không thấy đường nên các cặp đôi ngồi giữ tấm ảnh cưới của mình như sợ mất đi thứ quý giá.

Cũng vì cảm phục tình yêu mãnh liệt, bất chấp trái ngang của những thân phận ấy, NSND Kim Cương đã đứng ra kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức để tổ chức lễ cưới miễn phí cho họ. 40 cặp đôi khuyết tật được NSND Kim Cương tổ chức đám cưới tập thể tại TP Hồ Chí Minh ngày 17/10 vừa qua, mặc dù đến từ các tỉnh thành khác nhau như Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Định... nhưng đều có điểm chung: Đó là tình yêu sâu nặng họ dành cho nhau dù hình hài khiếm khuyết và gia cảnh nghèo khó.

Là người chứng kiến ngàyvui hạnh phúc của các cặp đôi khuyết tật, NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ: "Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Cơ thể họ không lành lặn nhưng họ vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Dù có số phận kém may mắn nhưng họ đã tìm thấy nhau và gắn kết với nhau. Đám cưới này ý nghĩa vô cùng”.

NSND Kim Cương hy vọng sau đám cưới bà sẽ có thêm nhiều mạnh thường quân cùng đồng hành để xây nhà cho các cặp đôi khuyết tật còn khó khăn.

Vui cùng niềm vui của các cặp đôi trong ngày cưới, NSND Kim Cương cũng nghẹn ngào nhắn gửi các cặp đôi: “Chị ngưỡng mộ tình yêu của các em. Hạnh phúc của các em ngày hôm nay cũng là hạnh phúc lớn lao của những người tổ chức. Các em đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng ngày hôm nay, các em thực sự là những người phụ nữ may mắn và hạnh phúc nhất. Không phải ai cũng có thể tìm được một người bên cạnh chia ngọt xẻ bùi, thấu hiểu và yêu thương như các em”.

NSND Kim Cương thổ lộ: “Chắc chắn trong cuộc đời sóng gió này các bạn khuyết tật sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng hy vọng các em hãy nhớ đến ngày đám cưới mà nhường nhịn, gìn giữ hạnh phúc cho nhau. Tình yêu của các bạn khuyết tật đã đơm hoa kết trái bằng những đứa con ngoan hiền. Hy vọng trên đường đời sau này, các bạn khuyết tật sẽ nương tựa vào nhau, dìu nhau đến trọn đời hết kiếp chứ không phải suy nghĩ mơ đến một đám cưới như hôm nay. Bởi đám cưới hôm nay, sẽ có những người thiện lành, người biết yêu thương sẽ luôn bảo bọc những con người khuyết tật thân thể, song lành lặn về tinh thần, có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống”.

NSND Kim Cương sinh năm 1937, là nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của Việt Nam, con gái của cố NSND Bảy Nam. Kim Cương đến với sân khấu kịch từ năm 7 tuổi qua vai diễn trong vở tuồng Na Tra lóc thịt. Không chỉ là diễn viên, Kim Cương còn đảm nhận vai trò tác giả, đạo diễn kiêm nhà sản xuất. Tên tuổi của Kim Cương gắn liền với các tác phẩm như Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ, Người mua hạnh phúc, Hai mùa giáng sinh… Bà được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam. Hiện tại, NSND Kim Cương là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh. Suốt nhiều năm qua, bà cùng với Hội đã đem tới ánh sáng cho hơn 500.000 người mù, thực hiện phẫu thuật cho hơn 7.000 trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh, hở hàm ếch…

Bài: Hoàng Tuyết
Ảnh, Video: Mạnh Linh

20/10/2018 11:45