Tốt nghiệp khoa Giáo dục tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, năm 1997, cô Trần Thị Thu Hiền về dạy tại Trường Tiểu học Thanh Trì cho đến nay. Hơn 42 tuổi đời, 20 năm tuổi nghề, làm giáo viên chủ nhiệm đủ các khối từ 1 - 5, cô luôn có ý thức phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, trở thành một trong những giáo viên “cứng” của nhà trường.
Không chỉ được biết đến là một giáo viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với học sinh, cô Trần Thị Thu Hiền còn được nhiều học sinh bị khuyết tật đang theo học trong trường tin tưởng, yêu mến và coi như “người mẹ thứ hai”.
Cô Thu Hiền tâm sự: “Ngoài chuyên môn vững, trước hết, người giáo viên phải có tâm, có đức đối với nghề. Dạy dỗ, giáo dục các em cần phải thật kiên trì, bền bỉ, yêu thương. Giáo viên phải là một tấm gương mẫu mực để các em noi theo. Đây là những điều mà tôi luôn tự nhắc nhở mình trong hơn 20 năm qua”.
Hiện chủ nhiệm lớp 4A3, có 2 học sinh khuyết tật về trí tuệ và vận động, cô Trần Thị Thu Hiền thường xuyên dành sự quan tâm, ưu tiên về thời gian cho những học sinh này. Trong mỗi tiết học, cô Hiền thường kết hợp đa dạng phương pháp và hình thức dạy học để phát huy được năng lực của học sinh.
“Đối với học sinh khuyết tật về trí tuệ, tôi luôn quan tâm, động viên, khích lệ các em, đặt mục tiêu của bài học đối với học sinh khuyết tật thấp hơn so với các học sinh bình thường. Ngoài ra, tôi còn có hình thức dạy học như giao các bài tập ở mức độ thấp hơn hoặc các bài tập dạng điền khuyết để học sinh có thể hoàn thành cùng thời gian với các bạn khác trong lớp. Điều này khiến các học sinh khuyết tật không cảm thấy tự ti trước bạn bè”, cô Hiền tâm sự.
Luôn sống và làm việc theo phương châm coi học sinh như con, phải yêu thương và đối xử công bằng với tất cả học sinh, đặc biệt là học sinh khuyết tật, nhiều học sinh khuyết tật học tại lớp cô đã có những chuyển biến tích cực trong học tập, từng bước hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt của học sinh bình thường.
Cô Hiền cho biết, khi trong một lớp học chỉ có 1 - 2 học sinh khuyết tật thì những giáo viên chủ nhiệm cần phải nỗ lực rất lớn để vừa đảm bảo giảng dạy tốt cho những học sinh bình thường, vừa quan tâm, dạy dỗ được các học sinh khuyết tật. Để làm được điều này, chuyên môn giỏi là chưa đủ, quan trọng hơn cả vẫn là tình thương yêu, sự kiên nhẫn đối với học trò.
Trẻ khuyết tật trí tuệ thường mặc cảm, tự ti, đôi lúc còn có những hành động quậy phá. Nhiều em có khả năng tiếp thu kiến thức chậm hơn học sinh bình thường. Vì thế, giáo viên cần phải kiên nhẫn, bỏ công sức nhiều hơn để giảng đi giảng lại một bài học. Bên cạnh đó, các thầy, cô đôi lúc còn bất đắc dĩ trở thành bác sĩ tâm lý để chia sẻ, động viên, hỗ trợ các em cùng học tập cũng như hòa nhập.
“Cũng có chuyện phụ huynh học sinh lo ngại việc học tập của con mình bị ảnh hưởng khi trong lớp có học sinh khuyết tật. Tôi và các đồng nghiệp phải thuyết phục, giải thích, kêu gọi tình thương yêu của mọi người và bản thân mình phải làm gương bằng những hành động, việc làm thiết thực. Từ đó, nhiều phụ huynh đã ủng hộ việc học hòa nhập của trẻ khuyết tật. Các em học sinh cũng biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc đến người khác, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, từng bước xây dựng nhân cách tốt đẹp, yêu thương con người”, cô Trần Thị Thu Hiền chia sẻ.
Bà Nguyễn Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Trì cho biết, hiện trường có hơn 1.700 học sinh, trong đó trên 50 em là trẻ khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ đang học hòa nhập cùng các bạn học sinh bình thường. Với số lượng lớn học sinh khuyết tật như vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã thống kê, xác định những học sinh khuyết tật, tiếp thu chậm, có biểu hiện tự kỷ… và chủ động liên hệ với Viện Khoa học giáo dục để xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp cho các em.
Từ quá trình tập huấn phương pháp đến soạn bài giảng và đưa trẻ khuyết tật vào học hòa nhập với các học sinh bình thường là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của từng giáo viên trong trường. Với những nỗ lực, lòng kiên trì của giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Thanh Trì, nhiều học sinh khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ đã đạt kết quả học tập tương đối khả quan so với khả năng của các em, thậm chí một số em đã được lên lớp, đạt sức học như các học sinh bình thường khác. Năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Thanh Trì đã tiếp nhận 20 trẻ tự kỷ vào học lớp 1.
“Hiếm có giáo viên nào có được sự kiên nhẫn và tình yêu thương trẻ như cô Trần Thị Thu Hiền. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cô Hiền nhẫn nại giảng lại bài cho học sinh khuyết tật sau giờ học. Có những bài toán, cô Hiền phải nhẫn nại giảng vài lần, cho đến khi học sinh hiểu mới dừng lại. Cô Hiền còn đặc biệt quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần tặng bộ sách giáo khoa và hỗ trợ tiền cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường, vươn lên trong học tập”, bà Nguyễn Thúy Vân cho biết.
Nhiều năm liền đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp trường, đoạt giải tại Hội thi Giáo viên giỏi cấp quận, danh hiệu Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố... cô Trần Thị Thu Hiền vẫn ngày đêm trăn trở, tìm tòi, xây dựng những sáng kiến mới, phù hợp với những học sinh khuyết tật, giúp các em tự tin hòa nhập, phát triển. “Các em hòa nhập được không chỉ tốt cho tương lai các em sau này mà còn giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng chính là mục đích tôi luôn đặt ra và cố gắng cùng tập thể nhà trường thực hiện hàng ngày, hàng giờ, vì học sinh thân yêu”, cô Trần Thị Thu Hiền tâm sự.