Cô còn tham gia khóa đào tạo, tập huấn của các trung tâm dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Thái Bình, Bắc Giang; học hỏi phương pháp dạy theo chương trình của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam… Cô cũng tự tìm hiểu về các dạng khuyết tật, thủ ngữ, ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp, giảng dạy cho học sinh.
Dựa trên chương trình khung của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cô tự điều chỉnh lại cho phù hợp với từng học sinh trong lớp. Với những em khiếm thính, cô thiết kế các bài dạy ngôn ngữ ký hiệu kết hợp với tranh ảnh miêu tả để học sinh ấn tượng và dễ nhớ. Với những em có sức khỏe yếu, dễ bị kích động, cô sắp xếp giờ học văn hóa, xen kẽ với các hoạt động ngoại khóa để các em bớt căng thẳng, dễ tiếp thu bài hơn.
Trước mỗi giờ học, cô thường nhắc lại các bài học cũ để học sinh đỡ quên, nắm bắt bài mới nhanh, tập trung học hiệu quả hơn. Gần 30 năm gắn bó với nghề, cô nhớ như in từng khuôn mặt, tính cách của hơn 300 học sinh do cô chủ nhiệm.
Một giờ lên lớp của cô Nguyễn Thị Liên. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Với những học sinh khuyết tật, giáo viên không chỉ đóng vai trò là cô giáo dạy chữ mà còn là “người mẹ thứ hai” vừa chăm lo sức khỏe vừa dạy cho các em kỹ năng sống.
Cô Liên tâm sự: "Các em không được may mắn như những đứa trẻ khác nên tôi nghĩ mình phải hết lòng yêu thương chúng. Do đó, tôi cố gắng vừa dạy các em viết, đọc, làm toán, vừa rèn kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh và dần dần rèn thêm những kỹ năng sống cần thiết để các em hòa nhập với cộng đồng".