Nghề "đặc biệt"
Dù đã 10 tuổi nhưng nhận thức của H. chỉ như đứa trẻ lên ba. Đang trong giờ học nhưng H. tự do đi lại, la khóc hoặc hát không kiểm soát. Các cô giáo tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo phải ngừng giờ học, giúp em trấn tĩnh và trở lại trạng thái tâm lý ổn định. Đó là những công việc thường thấy tại Trung tâm.
Hàng ngày, công việc của cô giáo Mầm non tại Trung tâm bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 phút bằng việc đón trẻ. Chỉ riêng việc ổn định lớp để bắt đầu buổi học cũng mất nhiều thời gian do trẻ khó kiểm soát hành vi và cảm xúc khi phải xa ông bà, bố mẹ. Không bảng đen, phấn trắng như các bậc học khác, giáo viên Mầm non vất vả hơn do không chỉ "dạy" mà còn phải "dỗ", phải nắm rõ tính cách, biểu hiện bệnh của trẻ theo khung giờ để có phương pháp can thiệp phù hợp.
Cô giáo Đặng Thị Nga, phụ trách chuyên môn của Trung tâm cho biết, mỗi trẻ đến Trung tâm đều có những khó khăn riêng như: trẻ tự kỷ, chậm nói, tăng động, giảm chú ý; chậm phát triển vận động; chậm phát triển trí tuệ… Em nhỏ nhất mới 14 tháng tuổi, lớn nhất là 14 tuổi. Theo quy trình, khi đến đây, mỗi trẻ đều được sàng lọc ban đầu để đánh giá mốc phát triển so với độ tuổi. Đây là căn cứ quan trọng để giáo viên chuyên môn đưa ra phương pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ tùy theo mức độ bệnh. Định kỳ 1 tháng, 3 tháng, các thầy, cô giáo sẽ thực hiện đánh giá lại để tiếp tục có phương pháp phù hợp với sự phát triển của trẻ dựa trên tham vấn từ bác sỹ chuyên khoa.
Chứng kiến những đứa trẻ lên lên 6 - 7 tuổi nhưng chỉ như trẻ vài tháng tuổi không biết các kỹ đơn giản như: nói chuyện, mặc áo quần, đi vệ sinh… mới thấy hết nỗi vất vả của những giáo viên ở đây. Thậm chí, khi trẻ mất kiểm soát hành vi có thể tự làm đau mình hoặc cào, cắn những người xung quanh. Chỉ vào vết thâm tím trên cánh tay, cô Trần Thùy Linh (lớp can thiệp cá nhân) chỉ cười và coi đó là một phần của công việc. Mỗi ngày, cô thực hiện can thiệp cá nhân cho 9 trẻ đặc biệt. Cô Linh chia sẻ, công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp. Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng và mỗi giáo viên phải kiên nhẫn để có thể "bước" vào thế giới ấy để cùng chơi, cùng học với trẻ; từng bước đưa các em hòa nhập cộng đồng. Do đó, mỗi tiến bộ nhỏ nhất của trẻ tự kỷ cũng cần quá trình dài; có khi chỉ riêng việc tập luyện cho trẻ ngồi yên từ 10 -15 phút đã mất rất nhiều thời gian.
Lớp can thiệp sớm do cô Trần Thị Liễu phụ trách có 17 bé nhưng chỉ 1-2 bé biết nói. Cô Liễu tâm sự, người bình thường nếu nhìn các bé mắc hội chứng tự kỷ sẽ "giật mình" trước những hành động của các em. Tuy nhiên, giáo viên dạy trẻ đặc biệt chỉ cảm thấy thương, yêu và đau xót bởi những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu.
Niềm vui từ những điều giản dị
Hầu hết những giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo đều còn rất trẻ nhưng vẫn chọn con đường gắn bó với trẻ đặc biệt.
Là sinh viên Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, sau khi ra trường, cô Phạm Thị Giang (sinh năm 1990) đã quyết định học thêm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và trở thành giáo viên Mầm non dạy trẻ đặc biệt. Cô Giang chia sẻ, dạy trẻ đặc biệt là công việc rất vất vả. Hầu hết các giáo viên phải tự nghiên cứu tâm lý và tính cách riêng của từng trẻ để có bài giảng phù hợp. Bởi vì, những kỹ năng thông thường với nhiều trẻ khác như biết "gọi dạ bảo vâng" hay chào cô, chào bố mẹ mỗi khi tới lớp nhưng đối với trẻ đặc biệt là cả quá trình mà cô và trò cùng nhau cố gắng.
Cô giáo Đặng Thị Nga, phụ trách chuyên môn của Trung tâm luôn nhớ đến một cậu học trò mắc hội chứng tự kỷ điển hình. Khi tới Trung tâm, em khá nhút nhát, khả năng tập trung kém, không muốn giao tiếp cùng cô và bạn bè, chỉ thích chơi một mình. Điều may mắn là trẻ được phụ huynh phát hiện sớm và đưa đến Trung tâm để được can thiệp kịp thời. Đều đặn mỗi ngày 1-2 giờ, em được can thiệp 1:1 với giáo viên. Sau 4 năm, đến nay, em đã hòa nhập và trở thành học sinh lớp 2 trong niềm vui của gia đình và giáo viên Trung tâm.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo Trịnh Thị Thanh cho biết, Trung tâm được thành lập năm 2016 thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Sau 6 năm hoạt động, đến nay, Trung tâm có 7 cơ sở tại Thái Bình và Hà Nội. Cơ sở tại thành phố Thái Bình có 17 giáo viên, 50 trẻ thuộc nhóm lớp và 20 trẻ can thiệp cá nhân với nhiều độ tuổi khác nhau. Trung tâm là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp phép thực hiện nhiệm vụ can thiệp, hỗ trợ trẻ đặc biệt, chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, chuyên môn, Trung tâm sẽ từng bước đưa cơ sở trực thuộc vào hệ thống giáo dục chung, tạo tiền để phát triển trong tương lai, mở ra cơ hội được hỗ trợ, can thiệp của nhiều trẻ đặc biệt.