Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn mỗi tập thể cá nhân ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục sắp xếp hợp lý quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các cấp học; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái yêu cầu ngành Giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy và học truyền thống với các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình "Trường học chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh. Ngành triển khai sâu rộng, hiệu quả việc xây dựng "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích của ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Ngô Thị Minh mong muốn toàn ngành tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và quản lý, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng "Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục” cho 14 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái. UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các cấp học, bậc học được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 463 cơ sở giáo dục với quy mô trên 6.800 lớp, trên 222.000 học sinh; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 84%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 66%; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục...
Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tăng đều qua các năm... Hàng ngàn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu, xuất sắc đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý; đặc biệt, đã có 78 nhà giáo được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú”.