Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh bày tỏ: Giải thưởng được trao vào thời điểm rất có ý nghĩa khi ngành Giáo dục đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Năm nay, giải đã thu hút sự tham gia của gần 800 tác phẩm gửi dự thi, đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, cả các tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên. Số lượng các tỉnh, thành phố tham gia phong phú hơn, trải dài từ Bắc đến Nam. Chất lượng các tác phẩm cũng đã được nâng cao, vì vậy số lượng tác phẩm đoạt giải của các địa phương cũng đã tăng nhiều so với các năm trước.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng chính thức phát động giải lần thứ 6 với hy vọng nhận được sự tham gia của đông đảo phóng viên, nhà báo… để tiếp tục đồng hành cùng ngành giáo dục vượt qua khó khăn, thách thức.
Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập báo Giáo dục thời đại, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức, cho biết: Sau 5 năm tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã tạo được tiếng vang và có sức lan tỏa sâu rộng, nhận được sự quan tâm không chỉ với những người làm báo, mà còn với những người trong ngành và ngoài ngành Giáo dục.
Hội đồng Sơ khảo đã chấm điểm, lựa chọn được 80 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo. Trên cơ sở đó, Hội đồng Chung khảo đã đề xuất 1 giải Đặc biệt; 4 giải Nhất; 8 giải Nhì; 12 giải Ba, 28 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải.
Về cơ cấu giải thưởng, 1 giải Đặc biệt được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng tiền thưởng 60 triệu. Giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích được nhận biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng giải thưởng tiền mặt: giải Nhất 30 triệu đồng/giải; giải Nhì 15 triệu đồng/giải; giải Ba 10 triệu đồng/giải và giải Khuyến khích 5 triệu đồng/giải.
Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá 10 triệu đồng/tác phẩm.
Cụ thể, giải Đặc biệt đã được trao cho tác phẩm “Học sinh miền Nam - Một thời để nhớ” của nhóm tác giả: Võ Thị Ánh Tuyết, Bùi Đình Dương, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Doãn Lưu, Nguyễn Trần Dũng, Lê Bật Hiệu, Nguyễn Trần Kim Tiền (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Bốn tác phẩm đoạt giải Nhất gồm: tác phẩm “Học sử để thêm yêu Lịch sử nước nhà”, nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thu Hoài, báo Đại Đoàn Kết, loại hình báo in; tác phẩm “Xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10: Hài hòa lợi ích” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Nhung, Hà Ánh Ngọc, Hoàng Công Chương, Trương Trường Tiến, Nguyễn Quốc Ngữ, Ngô Sỹ Điền, Báo Giáo dục và Thời đại, loại hình báo điện tử; loạt bài “Tự chủ Đại học: Gánh nặng tăng học phí", tác giả Lê Thị Thu, Ban Thời sự (VOV1) - Đài Tiếng nói Việt Nam, loại hình phát thanh; tác phẩm “Người gieo chữ kiên cường” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Ba, Trương Tuấn Nghĩa, Nguyễn Trung Toàn, Nguyễn Minh Ngọc, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Việt Anh, Ban Khoa giáo (VTV2) - Đài Truyền hình Việt Nam, loại hình Truyền hình.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hoài, một trong các tác giả đoạt giải Nhất với loạt bài “Học Sử để thêm yêu lịch sử nước nhà” chia sẻ: Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, nhiều ý kiến tâm huyết về giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông đã được nêu ra. Loạt bài này nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc khi khởi đăng đúng thời điểm môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở bậc Trung học Phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ: “Qua mỗi tác phẩm đoạt giải, tôi nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của đội ngũ nhà báo. Bằng ngòi bút của mình, các tác giả đã góp thêm tiếng nói, truyền tải thông tin, vấn đề nóng của ngành Giáo dục phục vụ bạn đọc một cách khách quan và đa chiều. Hơn cả niềm vui, giải thưởng cũng là động lực để tôi tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục nói riêng và sự nghiệp Báo chí nói chung".
Hai nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải năm nay là em Hoàng Thị Mũ trong tác phẩm “Không gục ngã” của VOV4, Đài Tiếng nói Việt Nam và thầy Nguyễn Trần Vỹ, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) trong tác phẩm Chuyện “Vỹ khùng” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam.
Em Hoàng Thị Mũ là người dân tộc Mông ở Bảo Lâm, Cao Bằng. Năm 2010, mẹ mất do lũ cuốn, khi đó em mới 7 tuổi, em đã thay mẹ nuôi 2 em còn khát sữa; 10 tuổi cha em mất, em lại thay cha làm trụ cột gia đình. Nhưng em vẫn thực hiện được ước mơ đi học. Em là học sinh giỏi nhiều năm và được nhận học bổng của Học viện Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện em Hoàng Thị Mũ vẫn chăm lo cho 2 em trưởng thành, thực sự là tấm gương vượt khó vươn lên.
Thầy Nguyễn Trần Vỹ có 22 năm gắn bó với giáo dục miền núi Nam Trà My. Nhiều năm nay, sau những tiết học, thầy Nguyễn Trần Vỹ đã rong ruổi khắp các ngọn núi để cùng xây trường, dựng lớp, kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với người dân vùng cao. Thầy đã thành lập câu lạc bộ Kết nối yêu thương huyện Nam Trà My, Quảng Nam nhằm tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế và đã vận động xây dựng được 60 điểm trường, nhà ở cho học sinh và giáo viên, kêu gọi 18.000 phần quà cho người dân vùng cao. Tổng số tiền thầy kêu gọi giúp người dân là hơn 100 tỷ đồng.
Trong mùa Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022, Thông tấn xã Việt Nam có tác phẩm "Bóng ma" COVID-19: "Giải cứu" hệ thống mầm non ngoài công lập” của nhóm tác giả Phạm Thị Mai, Nguyễn Thu Hương (Báo điện tử VietnamPlus) đoạt giải Ba.