Nghề dệt của người Tày ở Bắc Kạn

Nghề dệt thủ công của người Tày ở Bắc Kạn đã dần mai một do sự tiện lợi của những đồ may sẵn và những người biết dệt cũng đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề...

Nghề thủ công truyền thống

Trong gia đình của người Tày bản địa trước kia, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi dệt, mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt. Dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Đề, dân tộc Tày, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, chia sẻ: Trước kia dệt thổ cẩm bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc sợi tơ tằm đã được nhuộm màu. Để làm ra được một tấm vải phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt mới làm ra được sản phẩm. Ngày nay giá tơ tằm đắt nên người dệt thổ cẩm chuyển sang dùng len để dệt với các màu: đen, đỏ, vàng, xanh tạo ấn tượng mạnh.

Trong mỗi gia đình đồng bào Tày ở Bắc Kạn đều có một khung cửi dệt.

Sử dụng những dụng cụ thô sơ, tự tạo, bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt màu sắc đẹp mắt, hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phản ánh phần nào lịch sử phát triển của tộc người Tày. Người Tày có hai kiểu dệt: Dệt trơn và dệt có hoa văn (dệt thổ cẩm).

Hoa văn trên mỗi tấm vải dệt của người Tày bắt nguồn từ cuộc sống lao động, gắn bó trong cuộc sống hàng ngày như: Hoa văn hình lá mía dùng làm li đô (màn queng), tã trẻ em; hoa văn hồ tiêu dùng khi làm khăn quàng; hoa văn lài ăm dùng khi làm mặt địu, mặt chăn...

Bà Triệu Thị Dung, dân tộc Tày, Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể chia sẻ: Sản phẩm dệt của người Tày bên cạnh yếu tố vật chất còn mang yếu tố tinh thần và tâm linh sâu sắc. Trước đây, người Tày dệt các sản phẩm để làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình và phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong hoạt động văn hóa đời sống như: Trang phục, màn, vỏ chăn, rèm cửa, địu trẻ con, túi nải, giầy vải... những sản phẩm này gắn bó với họ từ thuở lọt lòng đến khi từ giã cõi đời.

Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi trong đời sống của người Tày. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề dệt thủ công truyền thống hiện vẫn tồn tại nhưng có một số biến đổi trong nguyên liệu dệt, cơ cấu sản phẩm dệt. Trước đây, nguyên liệu tạo nên màu sắc trên sản phẩm dệt được lấy từ thiên nhiên. Ngày nay do nguồn nguyên liệu hạn chế, tốn nhiều thời gian, công sức... nên người ta đã sử dụng các sợi vải công nghiệp bán rất nhiều trên thị trường.

Cần có chính sách bảo tồn, lưu giữ

Trước đây, phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Ngày nay, nghề trồng bông, kéo sợi không còn nhiều, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp vì dễ dệt hơn, giá cả không cao, không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người phụ nữ đỡ vất vả hơn. Sợi màu được tạo ra từ các cây vỏ cứng đã một phần được thay thế bằng thuốc nhuộm công nghiệp hoặc sợi len màu bán sẵn ngoài thị trường.

Bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nằm bên bờ hồ Ba Bể, là nơi có nhiều người Tày sinh sống và nghề dệt thủ công truyền thống vẫn còn được duy trì. Nếu như trước đây, trong mỗi gia đình đều có một khung cửi để dệt vải thì nay do sự phong phú của các mặt hàng vải may mặc trên thị trường, trong thôn Pác Ngòi chỉ còn khoảng 10 hộ duy trì nghề dệt truyền thống này.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch xã Nam Mẫu cho biết: Cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể như đầu tư kinh phí, triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống: Dự án PAD về đào tạo lớp học dệt thủ công truyền thống; Dự án bảo tồn làng văn hóa thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách thập phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc trưng bày, triển lãm... Động viên, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: Hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh nghề dệt thủ công truyền thống không còn duy trì. Số lượng các nghệ nhân còn rất ít, phần lớn đều đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu. Đa số thế hệ trẻ, con em của đồng bào dân tộc Tày chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống nên hầu như không biết và không quan tâm đến nghề dệt, số lượng người theo học và thực hành nghề không nhiều. Đồng thời, mẫu mã, hoa văn, màu sắc của các sản phẩm dệt thủ công chưa thực sự phong phú, đa dạng nên chưa đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng...

Có thể nói, nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày là nét văn hóa rất độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Tày trong xã hội cổ truyền. Ngày nay, nghề dệt thủ công truyền thống có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình, là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống tại địa phương là rất quan trọng và cần thiết. Vì đó chính là biểu tượng văn hóa truyền thống của cộng đồng người Tày Bắc Kạn.
Bài và ảnh: Đức Hiếu
Bảo tồn thổ cẩm Gia Rai
Bảo tồn thổ cẩm Gia Rai

Những người già Gia Rai kể rằng, khi xưa tổ tiên của họ tìm đến sinh sống bên những thác nước, họ đã biết lấy cây rừng, sau này là cây bông để làm sợi dệt vải. Việc lựa chọn nguyên liệu và cách nhuộm sợi, ở mỗi nhóm người, mỗi gia đình Gia Rai có thể khác nhau, song cũng có những điểm tương đồng. Màu được ưa thích của họ thường là màu đen, màu xanh thẫm, điểm xuyết thêm màu vàng và màu đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN