Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến luôn là một trong những định hướng quan trọng và ưu tiên đối với ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam xuyên suốt quá trình phát triển. Những năm qua, ngành đang nỗ lực nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống cảnh báo sớm thiên tai nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trên tất các phương diện từ quan trắc, truyền tin dự báo. Các mạng lưới quan trắc đã được đầu tư nâng cấp hiện đại, đồng bộ, chuyển dần từ đo thủ công sang tự động. Hệ thống radar thời tiết hiện đại đang phủ dần kín lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả các vùng biển.
Trong thời gian tới, ngành Khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu tạo những bước phát triển đột phá, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 tiệm cận trình độ công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á.
Thông tin về ứng dụng công nghệ số mới, dự báo định hướng mưa hạn cực ngắn cho khu vực trung du, miền núi Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Hữu Thành cho biết, nghiên cứu đã xây dựng, thử nghiệm và áp dụng mô hình dự báo hạn cực ngắn bằng các mạng nơ-ron khác nhau, dựa trên chuỗi ảnh ước lượng mưa trên lưới thời gian thực. Kết quả cho thấy, dự báo mưa hạn 1 giờ cho sản phẩm khá tương đồng với ảnh quan trắc, sai số dự báo nhỏ, tuy nhiên các hạn dự báo dài hơn thì còn sai số lớn.
Theo Phó Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Hữu Thành, để cải thiện chất lượng dự báo của mô hình cần tiếp tục thử nghiệm, phân tích trên nhiều chỉ tiêu đánh giá hơn để có được kết luận khách quan, đầy đủ về chất lượng của các mô hình đã xây dựng; tập trung phân tích và hiệu chỉnh mô hình, có thể giảm sai số ở các hạn dự báo sau 1 giờ...
Đề cập về nhu cầu đối với thông tin dự báo, cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn, bà Bùi Thị Phượng, thành viên mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam cho biết, các nghiên cứu được trình bày trong hội thảo rất thiết thực, mang tính ứng dụng cao. Những ứng dụng này đã, đang và sẽ áp dụng thực tế đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản... góp phần cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai khí tượng thủy văn. Từ đó giúp các các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là người dân chủ động trong ứng phó, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi hướng tới sự ổn định, phát triển của xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi về các vấn đề về công nghệ dự báo định lượng mưa do bão, áp thấp nhiệt đới bằng mô hình số trị phân giải cao kết hợp đồng hóa số liệu radar, vệ tinh, quan trắc bề mặt và quan trắc cao không; hệ thống cảnh báo mức nước lũ từ xa sử dụng sóng vô tuyến trên các lưu vực sông, suối nhỏ...