Cảnh báo sớm
Có rất nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là những loại hình thiên tai nguy hiểm được ngành Khí tượng thủy văn dự báo, cảnh báo và truyền tin sớm. Những bản tin dự báo, cảnh báo đã giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong điều hành, chỉ đạo, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Năm 2020, đợt hạn hán xâm nhập mặn được cho là khốc liệt hơn năm 2016, nhưng đã được ngành Khí tượng thủy văn theo dõi, ban hành các thông tin, bản tin dự báo, cảnh báo chính xác và sớm nhất. Việc này đã giúp Chính phủ, các địa phương điều chỉnh và chỉ đạo sản xuất kịp thời, giảm thiệt hại chỉ còn 10% so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016.
Hay bão Noru (bão số 4), hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines, mạnh cấp siêu bão (cấp 16) trước khi đổ bộ vào Philippines ngày 25/9/2022. Sáng 26/9, bão Noru có cường độ xuống cấp 12, giật cấp 15 và đi vào Biển Đông. Trước nhận định, đây là cơn bão mạnh, ngành Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ, ban hành 33 tin chính thức, 44 tin nhanh bổ sung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó bão số 4. Những bản tin dự báo, cảnh báo sớm đó đã giúp Chính phủ, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão chủ động ứng phó. Kết quả, do được dự báo, cảnh báo sớm với những bản tin bám sát diễn biến thực tế của bão, đã không có người chết, thiệt hại do ảnh hưởng của bão được giảm thiểu đáng kể.
Hiện nay, sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro cho các vùng, các lĩnh vực và các đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, ngành Khí tượng thủy văn đã chủ động, tiên phong trong công tác dự báo, cảnh báo sớm để ứng phó với thiên tai, thích nghi với diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Năm 2023, ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đã dự báo phục vụ cho 5 cơn bão và hai áp thấp nhiệt đới; 21 đợt không khí lạnh; 20 đợt nắng nóng diện rộng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng; 13 đợt lũ; 28 đợt lũ quét, sạt lở đất với trên 100 vị trí xảy ra trên phạm vi 35 tỉnh, thành phố; cung cấp trên 8000 nghìn bản tin, trong đó có gần 3000 nghìn bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm.
Ngành xây dựng kế hoạch truyền thông, triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền pháp luật về khí tượng thủy văn hướng đến cộng đồng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Khí tượng thủy văn thế giới, Ngày Nước thế giới, Giờ trái đất và các chuỗi sự kiện bên lề, các sự kiện hưởng ứng tại địa phương.
Đồng thời, ngành Khí tượng thủy văn chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Đề cập đến công tác dự báo, cảnh báo sớm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho rằng, thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai đã được mở rộng tới 10 ngày, nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa đã được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm.
Đối với bão, áp thấp nhiệt đới đã nâng dự báo lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại được cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày.
Dự báo thời tiết biển đã có những đổi mới vượt bậc do tiếp thu các công nghệ mới của nước ngoài. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km và dự báo sóng với hạn dự báo đến 10 ngày.
Không chỉ tăng hạn dự báo mà thời điểm phát tin cũng sớm hơn. Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay cũng sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1 giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước đây.
Hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc
Để các bộ, ngành, địa phương và người dân nâng cao tính chủ động trong chỉ đạo, ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ngành Khí tượng thủy văn đã hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trong đó có hệ thống các trạm quan trắc tự động được nâng lên đáng kể về số lượng và ưu tiên phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Hệ thống hỗ trợ cảnh báo mưa lũ và dông, sét ra mắt từ tháng 10/2023 đã phát huy hiệu quả ban đầu. Hệ thống hỗ trợ cảnh báo mưa lũ và dông sét gồm 3 hệ thống chính và cả 3 hệ thống này sẽ đưa ra các thông tin về bản đồ phân tích và dự báo định lượng mưa cho 6 giờ tiếp theo dựa trên dữ liệu radar thời tiết và dữ liệu đo mưa bề mặt.
Hệ thống này còn được tích hợp thông tin cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất do mưa gây ra. Mọi diễn biến về tình hình mưa lũ, sạt lở đất trên tất cả các khu vực, lãnh thổ Việt Nam đều được theo dõi, giám sát liên tục thông qua các bản đồ phân tích và dự báo định lượng mưa từ 1 đến 6 giờ. Hiện tại, Hệ thống phân tích và dự báo định lượng mưa từ 1 đến 6 giờ hoạt động ổn định, thông tin dự báo chính xác, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, thông tin thân thiện với công chúng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường, ngành Khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các Đài, Trạm Khí tượng thủy văn quốc gia, các Trạm Khí tượng thủy văn chuyên dùng về công tác quan trắc, cung cấp số liệu khí tượng thủy văn, kịp thời phục vụ tốt công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn. Đồng thời, ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện Đề án “Tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”; đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn thông suốt trong mọi tình huống; thu thập, xử lý, lưu trữ số liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, chính xác.
Ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ hóa việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và truyền tin các loại số liệu đo đạc tự động (mưa, mực nước, các yếu tố khí tượng, thủy văn khác) với số liệu vệ tinh, rada thời tiết. Đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng ước lượng mưa lớn từ radar, vệ tinh phân giải cao, mạng lưới quan trắc mưa tự động để cảnh báo chi tiết, dự báo nguy cơ tác động của mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất đến từng khu vực nhỏ, huyện, xã, vùng trọng điểm có nguy cơ cao.