Sau 3 tuần vận hành xe buýt nhanh cho thấy, đã thực hiện 6.519 lượt xe, đạt 99,99% kế hoạch, 1 lượt xe không thực hiện do va chạm với xe con lấn làn dẫn đến hư hỏng xe.
Có 258.733 lượt hành khách, bình quân 40 hành khách/lượt. Ngày vận chuyển cao nhất là 16.644 hành khách. Hành khách bình quân tại các nhà chờ 11.249 người/nhà chờ; trong đó điểm đầu Kim Mã thực hiện đón trên 42.000 hành khách; các nhà chờ bến xe Yên Nghĩa, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Ngọc Phan đều có lượng hành khách đi lớn với hơn 18.000 hành khách.
Tuyến buýt BRT đang được trông đợi như một cứu cánh khi tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đang diễn ra hàng ngày. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, mặt tích cực là BRT đã vận hành đúng phương án, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn và thu hút được hành khách sử dụng. Sản lượng hành khách trên tuyến tiếp tục tăng qua các ngày hoạt động, đến ngày thứ 18 sản lượng khách tăng 85% so với ngày đầu đưa vào hoạt động, hành khách bình quân/lượt xe tăng từ 34 lên gần 46 hành khách/lượt, tăng 35% và vẫn đang tiếp tục tăng trong thời gian hoạt động.
Với năng lực vận chuyển hiện tại của BRT đạt 80% so với thiết kế, có thể đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại trên tuyến; khi phát huy tối đa dịch vụ với tần suất 3 phút/lượt tuyến BRT có thể đáp ứng từ 13 – 15% nhu cầu đi lại trên tuyến.
Thành phố cũng đã điều chỉnh 5 tuyến xe buýt thường để tăng cường kết nối với BRT, gồm các tuyến: 09,18,19, 22, 50; trong đó, tuyến buýt 22 được tổ chức lại thành tuyến buýt gom kết nối tăng sản lượng rõ rệt tại điểm đầu Kim Mã, khách tại đây tăng 20% so với trước khi điều chỉnh tuyến.
Tình hình trật tự giao thông trên tuyến được thay đổi cơ bản, hình ảnh giao thông mới với các thành phần tham gia đi lại trật tự, đi theo làn, tôn trọng làn xe dành riêng đã cơ bản hình thành. Từ khi BRT xuất hiện chưa có hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài xuất hiện. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh vận tải, các hãng taxi đề nghị chấn chỉnh lái xe thực hiện nghiêm về tổ chức phân làn.
Về giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) là trục đường song song với trục đường hoạt động của BRT cho thấy tình hình giao thông vẫn đảm bảo, không xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nhiều tồn tại phát sinh được UBND TP Hà Nội chỉ ra, đó là lượng hành khách sử dụng BRT trên các nhà chờ từ ngoài vành đai 3 trở ra đến Ba La vẫn thấp, đây là các nhà chờ gần các khu đô thị mới mật độ dân số chưa cao và trước đây gần như chưa có xe buýt hoạt động. Do vậy hành khách tại các khu vực này chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng.
Ngoài ra, một số sự cố kỹ thuật xảy ra chủ yếu liên quan đến hệ thống mở cửa tự động tại các nhà chờ nhưng đã được khắc phục kịp thời đảm bảo phục vụ hành khách. Một số cây xanh trên đương Giảng Võ ngả ra đường BRT trời tối dễ xảy ra va chạm do tầm nhìn hạn chế. Tình trạng các phương tiện vi phạm đi vào làn đường dành riêng, cản trở hoạt động của BRT vẫn còn, tại các nút giao các phương tiện rẽ trái lấn vào làn được BRT cản trở hoạt động của tuyến. Đến nay đã xảy ra 2 vụ va chạm.
Đặc biệt, trong những ngày mưa giao thông trên tuyến khá căng thẳng, nhiều phương tiện tràn vào làn dành cho xe BRT. Tuy nhiên, hoạt động của BRT tốt hơn rất nhiều so với xe buýt thường hoạt động trong làn hỗn hợp, số chuyến, lượt thực hiện vẫn đảm bảo 100%, thời gian vận hành vào giờ cao điểm mỗi lượt chậm hơn khoảng 10 phút so với kế hoạch.