Loay hoay xã hội hóa y tế, phát hoảng với giá dịch vụ tự nguyện

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, cách thực hiện xã hội hóa (XHH) y tế hiện nay đã khiến hệ thống y tế công biến tướng thành thứ “công - tư" lẫn lộn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy "ló" ra quyết sách nào giải quyết vấn đề mang tính hệ thống.

Giá dịch vụ tự nguyện "ngất ngưởng"

Vụ nhân bản khoảng 1.000 xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) cũng bắt nguồn từ máy móc trang bị theo hình thức xã hội hóa. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Hai con nhỏ bị viêm mũi họng, nhất là cháu bé mới được 3 tháng tuổi nhưng lại có dấu hiệu ho tím tái khi về đêm, nên chị Nguyễn Thị Thúy, Khoái Châu, Hưng Yên, vội vàng đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

“Được “mách nước” giá dịch vụ khoảng hơn 300.000 đồng/lần, tôi đưa 2 bé vào khu vực tự nguyện để khám cho nhanh. Thế nhưng, tôi thực sự phát hoảng khi nhận được thông báo, giá khám lên gần 600.000 đồng/lần. Chỉ sau 10 phút khám cho 2 bé, tôi phải trả tới 1,2 triệu đồng”, chị Thúy bức xúc.


Theo chị Thúy, giá dịch vụ khám tự nguyện tại Bệnh viện Nhi Trung ương là quá cao so với mặt bằng chung của các bệnh viện tư nhân. Trong khi đó, việc phục vụ lại chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh, khám tự nguyện mà bệnh phòng chật chội, chờ đợi khám đã lâu mà chiếu chụp xét nghiệm lại càng lâu hơn.


Chị Thúy kể: “Chứng kiến cơn thở tím tái của bé lúc đêm, tôi lo thót tim nhưng khi khám, bác sĩ nói không vấn đề gì. Nhà xa, lại không rõ trong cơ thể cháu có gì bất thường nhưng chưa thể hiện trên lâm sàng, nên tôi tha thiết yêu cầu làm thêm các xét nghiệm, chiếu chụp... Ấy thế, bác sĩ vẫn kiên quyết “không”, dù gia đình mong muốn con được khám tổng quát để dự phòng”.


Mất nhiều tiền khám dịch vụ nhưng vẫn không yên tâm về sức khỏe của con, nên sau khi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Thúy lại cậy cục nhờ người quen ở Hà Nội đưa đến một bác sĩ tư tin cậy để được tư vấn, kê thêm thuốc uống dự phòng cho con nhỏ.


Thường phải đưa con nhỏ đi nằm viện, chị Nguyễn Thu Nga, Vĩnh Tuy, Hà Nội, cũng bức xúc không kém về sự bố trí các phòng khám tự nguyện và phòng thuộc diện BHYT. Chị Nga phản ánh: “Trong khi các phòng dịch vụ để không thì các bé diện BHYT phải nằm ghép 2 - 3 cháu/giường”.


Theo chị Nga, rõ ràng đang có sự lẫn lộn giữa công - tư trong bệnh viện công. Việc các bệnh viện công lập phòng khám, phòng mổ, phòng điều trị theo yêu cầu trên khuôn viên của nhà nước, sử dụng nhân lực đã được nhà nước... để thu phí cao hơn, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến người bệnh BHYT. Và thử hỏi nếu các ngành khác, nhất là ngành giáo dục cũng học tập mô hình này rồi lập ra các phòng học chất lượng cao trong trường học công với khoản thu ngất ngưởng thì sẽ như thế nào?


Hợp tác đầu tư thành khu vực riêng


Trước những băn khoăn về xã hội hóa trong bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết, về cơ bản XHH mang lại hiệu quả tốt trong công tác khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng đúng là vẫn có thể có một số tồn tại như: Lợi ích nhóm; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao; thiếu sự phối hợp, công nhận kết quả lẫn nhau giữa các bệnh viện. Đặc biệt, còn có đơn vị có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hóa...


Nguyên nhân do các đơn vị không thực hiện đầy đủ các nội dung quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 15 về hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa để hạn chế những tồn tại này.


“Một số bệnh viện bố trí giường bệnh không hợp lý khi triển khai giường dịch vụ so với giường thường nên gười dân bức xúc và thiếu thiện cảm khi nhìn nhận vấn đề; cảm giác bị phân biệt đối xử. Vì vậy, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đang chỉ đạo các bệnh viện có tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu phải vay vốn, huy động vốn, liên kết hợp tác đầu tư thành khu vực riêng”, Bộ trưởng Tiến khẳng định.

"Thực tế, nhiều bệnh viện chưa làm đúng quy trình xây dựng đề án XHH. Nguy cơ người bệnh không cần nhưng vẫn phải làm xét nghiệm để bệnh viện đạt chỉ tiêu xét nghiệm, chiếu chụp là rất dễ xảy ra", ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.


Trả lời câu hỏi Bộ Y tế có kế hoạch kiểm soát giá và chất lượng dịch vụ theo yêu cầu trong các bệnh viện không, Bộ trưởng Tiến cho biết, Bộ đã có một số văn bản hướng dẫn nội dung, nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu; chỉ đạo để bảo đảm công bằng trong cung cấp dịch vụ chuyên môn (việc thực hiện các kỹ thuật y học là như nhau, chỉ khác nhau về giường nằm); kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn thu cho đúng các quy định, kể cả việc nộp thuế theo pháp luật.


Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã dự thảo và chuẩn bị ban hành Thông tư quy định về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.


Hà Phương
Vụ 'nhân bản xét nghiệm': Nhân viên nhận tội, lãnh đạo chối
Vụ 'nhân bản xét nghiệm': Nhân viên nhận tội, lãnh đạo chối

Sáng 7/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN