Chống lạm dụng xã hội hóa y tế

Xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm tận dụng mọi nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc lợi dụng chủ trương này:“Đắp chiếu”máy công, chỉ định người bệnh chụp chiếu, xét nghiệm từ máy móc xã hội hóa quá mức cần thiết, thiếu minh bạch trong góp vốn và “chia chác” lợi nhuận…


Lẫn lộn công, tư


Trong năm 2013, rất nhiều sự cố y tế nghiêm trọng liên quan đến vấn đề xã hội hóa (XHH) trang thiết bị (TTB) y tế được phát hiện, một trong số đó là vụ việc nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện (BV) đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội (1 bản xét nghiệm được in thành 2 - 3 bản khác để thanh toán BHYT). Theo bà Hoàng Thị Nguyệt, một trong những người đứng đơn tố cáo những sai phạm tại BV Đa khoa Hoài Đức, việc thực hiện những xét nghiệm khống tại BV phần lớn được thực hiện từ TTB liên doanh, liên kết giữa BV và Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây; trong khi đó máy móc công bị “đắp chiếu” vì những hỏng hóc rất đơn giản.

Chủ trương xã hội hóa y tế là đúng đắn, nhưng đang bị lợi dụng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Cũng trong tháng 8/2013, đại diện ngành y tế Thủ đô phải giải quyết vụ việc liên quan đến việc đầu tư máy móc XHH tại BV Thanh Nhàn. Trước đó 5 tháng, ông Đào Quang Minh, Giám đốc BV Thanh Nhàn còn bị giang hồ truy sát, vụ việc đã được đưa ra xét xử. Nguyên nhân cả 2 vụ việc cùng vì bất đồng quan điểm trong việc lắp đặt các thiết bị y tế XHH giữa BV Thanh Nhàn với doanh nghiệp tư nhân.


Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình nhập nhèm giữa công, tư, lạm dụng TTB XHH cũng diễn ra tương tự. Như tại BV Nguyễn Tri Phương, qua thanh tra cho thấy, một số chi phí không được xây dựng trong đề án liên doanh, liên kết với tư nhân nhưng được thỏa thuận trong hợp đồng như: Tiền BS tư vấn 120.000 đồng/ca; phí dự phòng sửa chữa 56.000 đồng/ca; chi phí khấu hao máy 105.000 đồng/ca...


Đặc biệt, tại BV Bình Dân (TP Hồ Chí Minh), Thanh tra y tế đã phát hiện hàng loạt sai phạm như: Liên doanh, liên kết với tư nhân bên ngoài đặt máy móc thiết bị để hưởng lợi; mua sắm TTB không qua đấu thầu… gây thất thoát nhiều tỷ đồng. Thanh tra xác định, mỗi BS khi chỉ định một bệnh nhân đi siêu âm, chụp X quang... từ TTB liên doanh liên kết được hưởng 50.000 đồng, BS đọc kết quả 40.000 đồng, một số thành viên ban giám đốc cũng được hưởng số tiền chênh lệch từ liên kết đặt máy lên đến hàng tỉ đồng. Trong việc mua sắm TTB y tế, BV cũng gây thiệt hại lãng phí hơn 4 tỷ đồng khi mua 4 loại máy móc nhưng không sử dụng. Bên cạnh đó, dù không có chủ trương của Sở Y tế nhưng lãnh đạo BV đã liên kết với phòng khám đa khoa Lạc Việt để đặt máy siêu âm, liên kết với Công ty TNHH Việt Nhật đặt máy CT - Scanner, liên kết với Công ty Huynh Đệ Phương Đông (TP Hồ Chí Minh) đặt máy tán sỏi năm 2008 và năm 2012 mà không có đề án.


Cho phép bệnh viện vay vốn ngân hàng


“Vậy làm thế nào để hạn chế tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện chủ trương XHH?”. Trả lời câu hỏi “nóng” này tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 16/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt - Đức, khẳng định: “Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu người đứng đầu thực hiện đúng chủ trương, chú trọng kiểm tra, giám sát thì khó mà xảy ra tình trạng lạm dụng máy móc XHH. Như tại BV Việt - Đức, cán bộ chúng tôi còn thường xuyên phải giải thích cho bệnh nhân rằng: Bệnh của anh/chị chưa tới mức phải chụp PET CT”.


Để hạn chế lạm dụng TTB xã hội hóa, ông Nguyễn Tiến Quyết “bật mí”: “Giải pháp quan trọng nhất là sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, chính xác. Tại BV Việt - Đức, nếu thực hiện XHH từ nguồn vốn của công nhân viên chức thì luôn tuân thủ một nguyên tắc, đó là mỗi người, dù cán bộ hay nhân viên cũng chỉ được đóng góp 1 suất. Nếu nguồn vốn XHH huy động từ doanh nghiệp tư nhân thì không có chuyện người đứng sau số tiền góp vốn đó là một cán bộ BV. Bên cạnh đó, việc đấu thầu mua máy móc được thực hiện công khai…


Tuy nhiên, như đánh giá của ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Sẽ không ai lấy đá tự ghè vào chân mình, và nếu việc quản lý quỹ thu - chi từ nguồn vốn XHH mà chỉ toàn người của BV, thì dù có minh bạch, người ngoài cũng khó tin tưởng”.


Do đó, ngành y tế cần hướng tới việc đưa thêm đại diện cấp trên của BV, đại diện Mặt trận Tổ quốc và một số đại diện từ các tổ chức đoàn thể khác, tham gia vào việc quản lý quỹ từ nguồn vốn XHH.


“Dư luận xã hội cho rằng có sự lạm dụng máy móc xã hội hóa là có phần đúng, Bộ Y tế cần sớm ban hành quy chuẩn xét nghiệm để tránh việc chụp, chiếu trùng lặp giữa các cơ sở y tế”, ông Nguyễn Văn Tiên nhận định.


Trả lời về việc có nên xem xét lại nên hay không nên duy trì hai hình thức cung cấp dịch vụ công, tư trong BV công, PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế thì vẫn phải huy động các nguồn lực ngoài ngân sách (vay vốn, liên doanh, liên kết) để các BV có thêm TTB phục vụ người bệnh”.


Để khắc phục những tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện XHH y tế, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để có những điều chỉnh phù hợp. Trước mắt, sẽ xây dựng cơ chế tài chính để cho phép và khuyến khích các đơn vị vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng để đầu tư. Xây dựng tiêu chí và chỉ cho phép các đơn vị có đủ tiêu chí mới được liên doanh liên kết để hạn chế tiêu cực (dự kiến thực hiện trong năm 2014). Và quan trọng nhất là tiếp tục xây dựng, ban hành các hướng dẫn điều trị chuẩn, các quy trình chuyên môn để các BV thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý cấp trên, của bản thân đơn vị.

 

Nhóm PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN