Cuộc họp kinh hoàng
Tôi nhớ mãi hôm đó vào sáng thứ bảy, ngày 22/3/2008, đang nghỉ ở nhà thì nhận được điện thoại của Trưởng phòng Hoàng Giang báo về vụ việc dân “biểu tình, giữ lãnh đạo huyện” ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, khi đó thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Nguồn tin chính là từ một cán bộ công tác tại báo nên rất đáng tin cậy. Ngay lập tức, tôi phi xe máy thẳng theo đường đê từ nội thành qua cống Liên Mạc trực chỉ xã Liên Hà.
Sau đây xin sơ lược phần tường thuật của phóng sự đăng trang nhất báo Tin tức vào thứ hai đầu tuần kế tiếp: “Thấy tôi khoác máy ảnh, dọc đường làng đã xôn xao "nhà báo về rồi". Vừa đến cổng trụ sở UBND xã Liên Hà, một hồi kẻng vang lên dồn dập. Hàng trăm người đang ngồi nhất tề đứng bật dậy.
Ở bên trong hội trường, các ông Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã và bà Bí thư đảng ủy xã vẻ mặt bơ phờ (xin được lược tên nhân vật) ngồi trên một chiếc ghế dài, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Họ đã phải ngồi "tiếp" công dân từ 14 giờ chiều ngày hôm trước, chỉ uống nước và ăn bánh mỳ cầm hơi, thậm chí có người cho biết còn không cả đi vệ sinh.
Hội trường UBND xã rộng chừng 300m2 mà chật cứng người. Nhiều thanh thiếu niên còn đu người lơ lửng trên cửa sổ để nhìn cho rõ. Những người không len chân được vào trong thì đứng tụ tập thành đám đông ở ngoài sân. Trong khi đó, các lực lượng huyện đội, công an tỉnh, công an huyện, cán bộ xã... xen kẽ vào đám đông để ngăn cản nhưng tỏ ra bất lực, không làm chủ được tình hình.
Một số người đòi kiểm tra giấy giới thiệu và thẻ nhà báo của phóng viên. Sau khi "ăn chắc" là nhà báo Trung ương, người ta yêu cầu bắc loa để dân phản ánh ý kiến của mình. Từng người một lên phát biểu kể lể, tựu chung lại là phản đối việc lấy đất nông nghiệp để triển khai dự án Cụm công nghiệp Nam Sông Hồng trên địa bàn xã. Những người phát biểu chất vấn huyện và xã chưa tổ chức họp lấy ý kiến dân mà đã ra thông báo thu hồi đất, sau đó cắm biển thông tin về dự án ở ngoài đồng là ép dân phải "bán" đất.
Sau vài ý kiến, các cán bộ được đề nghị trả lời. Ông Phó Chủ tịch huyện nhấn mạnh: "Đây mới chỉ là thông báo, chưa có quyết định thu hồi đất. Huyện vẫn chỉ đạo bà con cấy lúa xuân bình thường. Theo quy định thì thông tin về dự án phải được công khai. Do đó chúng tôi công khai để nhân dân biết, sau đó mới tổ chức lấy ý kiến". Bí thư xã và Chủ tịch xã sau đó cũng phát biểu tiếp thu ý kiến của nhân dân về việc đề nghị không thu hồi đất ruộng để làm dự án, đồng thời bác bỏ những thông tin sai lệch.
Đám đông vẫn chưa thỏa mãn với những câu trả lời và lại nhao nhao phản đối. Các ý kiến phát biểu tiếp tục đăng đàn. Thậm chí, có lúc một vài người kích động còn vây sát người, chất vấn về thông báo thu hồi đất do ông Phó Chủ tịch huyện ký.
Theo thông tin tổng hợp được, dự án Cụm công nghiệp Nam Sông Hồng có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 1/11/2007, được UBND tỉnh Hà Tây cấp giấy phép đầu tư ngày 5/2/2008. Chủ đầu tư là tập đoàn bưu chính viễn thông Sài Gòn. Dự án có diện tích đất phải thu hồi là 420 ha, trên địa bàn 5 xã Liên Hà, Liên Hồng, Hồng Hà, Hạ Mỗ, Tân Hội của huyện Đan Phượng.
Sau khi dự án có giấy phép, cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2008, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của huyện bắt đầu gửi thông báo về các xã việc thu hồi đất cho dự án. Dư luận bắt đầu có những ý kiến phản đối với việc lấy đất làm dự án, thậm chí có kẻ đã đập phá hỏng tấm biển thông tin về dự án. Ngày 21/3/2008, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đã về các xã để trực tiếp giải đáp thắc mắc của người dân. Tuy nhiên, rất đông nhân dân đã tập trung đến trụ sở UBND xã Liên Hà, một số quá khích "mời" luôn cán bộ ở lại cho đến khi viết cam kết không lấy đất làm dự án nữa mới cho về”.
Dẫn bài báo đến đây, tôi cũng xin kể thêm, việc phóng viên có mặt tại điểm nóng để phản ánh là rất cần thiết, nhưng trong trường hợp của tôi, những kẻ quá khích đã giữ luôn nhà báo để làm cái cớ kích động nhân dân, để “cho Trung ương nắm được tình hình”. Bởi vậy, hơn 2 tiếng trong vòng vây của đám đông, tôi đã thu thập đủ thông tin hình ảnh cần thiết (thậm chí có cán bộ an ninh còn ghé tai nhờ chụp ảnh đầy đủ những kẻ quá khích) nhưng không thể rút lui, mà ở lại thì không cẩn thận thành lý do để dân chúng bị kích động. Cuộc họp có nhà báo cứ thế kéo dài xuyên trưa.
Bụng đói meo, loay hoay mãi tôi mới nghĩ ra cách làm “động tác giả” với một đối tượng cộm cán trông có vẻ “dễ lừa” nhất, giả đò như có việc quan trọng với đối tượng này rồi nhờ chỉ dẫn ra ngoài. Vậy là đến 14 giờ tôi cũng thoát được về nhà người quen đang chờ sẵn mâm cơm trưa.
Đến tối khi về đến nhà, tôi nhận được tin từ cơ sở báo rằng đến khoảng 17 giờ cùng ngày, các cán bộ huyện, xã mới được ra về sau một "cuộc họp" kéo dài kỷ lục 27 giờ. Đám đông đã thỏa mãn với văn bản của UBND huyện khẳng định không lấy đất ở xã Liên Hà để làm dự án Cụm công nghiệp Nam Sông Hồng.
Bản lĩnh Tin tức
Có thể nói, chuyến tác nghiệp về được đến nhà an toàn đã là thành công. Nhưng khó khăn hơn là bài viết phải làm sao phản ánh đúng chân thực được tình hình nhưng cũng phải đúng quy định pháp luật, phê phán cái sai nhưng phải mang tính xây dựng, tránh để các đối tượng lợi dụng kích động dân chúng. Đây cũng chính là kim chỉ nam mà ngay từ khi ra đời, báo Tuần Tin tức (tiền thân của báo Tin tức) dù “phá rào” khởi đầu cho việc đấu tranh chống tiêu cực nhưng vẫn được Trung ương ủng hộ và bạn đọc yêu mến.
Vậy là loạt phóng sự hai kỳ “Hệ quả từ sự nóng vội trong dự án cụm công nghiệp Nam Sông Hồng” đăng trang nhất báo Tin tức đã gây tiếng vang lớn. Ngay sau khi báo ra, nhà báo Nguyễn Sáng, Trưởng phân xã Hà Tây khi đó (sau này là Trưởng ban Biên tập tin trong nước) gọi tôi ra quán bia hơi đối diện Phân xã ở cầu Trắng, Hà Đông vui mừng báo tin: “Tao mang hai bài báo lên đưa tận tay Bí thư Tỉnh ủy đọc. Đọc xong đồng chí Bí thư gật gù báo nói đúng đấy”.
Kết quả là ngay ngày hôm sau, UBND tỉnh Hà Tây đã có văn bản tạm dừng triển khai thu hồi đất để làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Sau đó đến tháng 8 cùng năm, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội. Dự án Cụm công nghiệp Nam Sông Hồng có lẽ vì nhiều lý do cũng lặng lẽ xóa sổ.
Nhưng niềm vui được Bí thư Tỉnh ủy khen (dù bị phê phán) vẫn không bằng cái sướng âm ỉ khi bạn đọc hồi âm về loạt phóng sự. Cũng phải nói thêm, khi báo ra, Tổng biên tập Lê Duy Truyền (sau là Phó Tổng giám đốc TTXVN) đã chỉ đạo Phòng Tổng hợp mang 200 tờ báo xuống khu vực xã Liên Hà bán. Nhưng nhóm phát hành báo kể mới chỉ đến cổng chợ bà con đã tranh nhau lấy hết luôn. Mấy hôm sau, tôi đang ở tòa soạn thì anh Dương Thanh Hiển, Phó Trưởng phòng Tổng hợp (sau anh chuyển sang làm Tổng biên tập Tạp chí Đường bộ) bảo có bạn đọc ở xã Liên Hà đến tìm, có thể kiện cáo liên quan đến bài viết về dự án nên đi cùng anh.
Nhưng khi xuống phòng khách cơ quan, chúng tôi gặp một bác gái khoảng hơn 60 tuổi, lâu rồi tôi không nhớ tên. Bác trình bày là một giáo viên nghỉ hưu ở xã Liên Hà. Vì chậm chân nên nhiều người không mua được tờ báo Tin tức có đăng bài viết. Dân làng phải photo bài báo truyền tay nhau đọc. Tuy nhiên bác đọc tờ photo không thấy sướng nên bác đi bộ từ nhà ra thị trấn Phùng. Từ thị trấn Phùng có tuyến xe buýt về bến xe Kim Mã. Sau đó từ bến xe Kim Mã bác đi xe ôm đến tòa soạn với mục đích hỏi mua tờ báo Tin tức.
Anh Hiển liền biếu luôn bác hai tờ báo đăng trọn loạt phóng sự và cả tờ báo đăng tin UBND tỉnh Hà Tây tạm dừng thu hồi đất. Nhưng bác giáo viên nhất quyết trả tiền báo dù chúng tôi đã nói biếu. Bác bảo đến hỏi mua chứ không xin. Sau đó chúng tôi ngỏ lời biếu bác tiền xe ôm về bến xe Kim Mã nhưng bác cũng dứt khoát không lấy, bảo ông xe ôm chờ sẵn đưa về nên trả trọn gói rồi.
Bữa tác nghiệp “bão táp” trong vòng vây đám đông nhớ đời bao nhiêu thì ấn tượng của tôi với bác bạn đọc già lại sâu sắc bấy nhiêu. Cho đến giờ, tôi vẫn tự nhủ, báo Tin tức luôn có những bạn đọc đồng hành đáng trân trọng như vậy.