Khi Ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) quyết định ra báo Tin tức Buổi chiều, một tờ báo hàng ngày, phát hành vào buổi chiều để bổ sung cho báo Tuần Tin tức, khối Tin Trong nước của TTXVN đã có “mảnh đất” để “tỏa sáng”, ngoài viết tin còn có thể viết các thể loại bài, phóng sự, chụp ảnh, đúng chất của phóng viên báo chí, trong đó phải kể tới cây bút điều tra, nhà báo Trần Quang Vũ. Nhà báo Trần Quang Vũ hiện đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, viết báo, tư vấn luật…
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về hoàn cảnh ra đời của loạt bài phóng sự điều tra những vi phạm nghiêm trọng của “Vụ án đê Yên Phụ”, nhà báo Trần Quang Vũ kể lại: “Đê Yên Phụ là đoạn đê sông Hồng chạy từ chân cầu Thăng Long đến Nhà máy nước Yên Phụ, ngang qua một vùng "bờ xôi ruộng mật" của Hà Nội - Nghi Tàm - Quảng Bá - Hồ Tây. Vào những năm đầu 1990, cả một đoạn đê dài chỉ khoảng hơn ki-lô-met qua địa phận phường Yên Phụ, hai bên thân đê, người dân đua nhau làm nhà, xây bậc lên xuống, lối ngõ vào nhà”.
Sau một thời gian ngắn, trên đoạn đê Yên Phụ đã có cả vài trăm nhà lấn đê, vi phạm nghiêm trọng hành lang đê điều. Không chỉ vậy, có những hộ dân còn đặt máy khoan xuyên qua đê để lấy nước sạch vì ở hạ lưu, phía Hồ Tây có nước sạch, còn phía thượng lưu không có hệ thống nước sạch. Điều này khiến đê Yên Phụ luôn ở trong tình trạng báo động, rất nguy hiểm trong bối cảnh việc điều hành lũ ở Việt Nam chưa thật sự yên ổn, có năm nước lên rất cao. Nếu xảy ra sự cố vỡ đê thì không chỉ Thủ đô Hà Nội mà toàn bộ hữu ngạn sông Hồng là: Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình sẽ ngập tràn trong “biển nước”.
“Con đê chắn lũ và con đê pháp luật” đã khiến nhà báo Trần Quang Vũ vô cùng trăn trở. Ông quyết tâm thu thập thông tin cho loạt bài điều tra; đồng thời xác định sẽ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, sự phản ứng dữ dội của những người dân đang ngày đêm trục lợi đê.
Nhà báo Trần Quang Vũ đã tìm gặp nhà báo Nguyễn Các, Tổng biên tập báo Tin tức Buổi chiều khi đó để bàn về kế hoạch đăng tải phóng sự. Lãnh đạo báo đã nhất trí; đồng thời chia sẻ sẽ hỗ trợ tối đa khi nhà báo cần. Để tạo hiệu ứng mạnh, nhà báo Trần Quang Vũ đã phối hợp với nhà báo Nguyễn Hòa Bình, Ban chuyên đề của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) để thực hiện loạt bài điều tra về đê Yên Phụ.
Điều nhà báo Trần Quang Vũ trăn trở là thời điểm đó còn phát hiện có những vết nứt ở thân đê cũng như những ổ mối ở chân đê do người dân tùy tiện đổ phế thải xây dựng hòng lấn chiếm, mở rộng mặt bằng, sau đó xây nhà sát và ngang mặt đê.
Bài đầu tiên điều tra về đê điều đã "nổ súng" ở Tin tức Buổi chiều. Sau đó, các báo lớn như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới đã đồng loạt đăng lại tin nguồn từ TTXVN, khiến dư luận xôn xao. Đài truyền hình Việt Nam, báo Thanh niên, Tuổi trẻ tiếp tục theo đuổi vụ việc này. Bộ Công an chính thức khởi tố vụ án xâm phạm công trình an ninh quốc gia.
Ngày 13/7/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội kiểm tra tại chỗ và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm hành lang bảo vệ đê từ Yên Phụ đến Nhật Tân. Ngày 29/3/1995, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với Bộ Thủy lợi và thành phố Hà Nội về việc di chuyển các hộ dân, công trình trong phạm vi cần giải tỏa.