Không thể chống ngập bằng tư duy lạc hậu

Hơn 15 năm chống ngập, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, dự kiến trong giai đoạn từ 2016 - 2020, thành phố tiếp tục đầu tư khoảng 75 nghìn tỷ đồng để chống ngập.

Dù vậy, chỉ cần một cơn mưa lớn, toàn bộ các dự án chống ngập của thành phố lâu nay đều trở nên vô hiệu… vì sao?

Lại ngập do rác?

Cơn mưa lớn vào cuối tháng 8 vừa qua khiến sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng khiến hoạt động của nhiều hãng hàng không bị đảo lộn. Nhiều vị trí sân đỗ từ bãi đỗ số 10 đến 14, 51, 56 nước không thoát kịp làm ngập cục bộ. Mưa lớn cộng nước ngập khiến gần 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng, trong đó, có 2 chuyến bị hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Liên Khương, Cam Ranh... Không chỉ vậy, trận mưa kéo dài khoảng 2 giờ này còn gây ngập 27 tuyến đường, trong đó, ngập nặng nhất là tuyến đường Phan Xích Long, nằm ngay cạnh tuyến thoát nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè, được đầu tư hàng trăm triệu USD…

Hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm, ngập rác khiến thành phố ngày càng bị ngập nặng.

Lý giải về việc ngập nặng này, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân chính là do rác gây tắc nghẽn dòng chảy. Theo ông Công, tính đến nay, thành phố có đến 250 trường hợp lấn chiếm kênh rạch, xây hầm ga chồng lên cống gây tắc nghẽn dòng chảy. Ngay khu vực đường Phan Xích Long ngập nặng cũng là do nhiều cửa xả thoát nước ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị người dân xả rác bít cứng. Tương tự, trường hợp ngập nặng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Ông Phạm Vũ Cường, Phó Tổng giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng, ngoài nguyên nhân mưa lớn, nước không kịp thì tuyến kênh A41 thoát ra đường Phan Thúc Duyện nhiều năm qua bị lấn chiếm, không được  tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, nên xảy ra tình trạng ngập nặng khi mưa lớn.

Với cách lý giải như trên của người đứng đầu trung tâm chống ngập, người dân lại càng cảm thấy không yên tâm, khi Thành phố đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho các dự án chống ngập nhưng vẫn không thể chống lại… rác. Vì ngay cả những người không có chuyên môn, cũng có thể nói ngay được nguyên nhân của việc ngập nặng là do rác, do hệ thống thoát nước bị quá tải, do tốc độ đô thị hóa, do mưa lớn... Những lý giải này cho thấy, việc hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư vào hệ thống thoát nước, chống ngập đô thị đã không phát huy hiệu quả, hoặc ít nhất là không theo kịp với những diễn biến khí hậu cũng như quá trình phát triển đô thị. Và thay vì đưa ra giải pháp cụ thể, hiệu quả để giải quyết tình trạng ngập rác cũng như lấn chiếm kênh rạch, thì những thống kê này vẫn còn dừng lại ở chỗ “dùng để biện minh” khi thành phố bị ngập. 

Đâu là nguyên nhân

Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đô thị đã đưa ra các lý giải mang tính tổng quan về tình trạng ngập ngày càng nặng của Thành phố Hồ Chí Minh, từ những sai lầm trong việc phát triển đô thị về phía Nam cho đến việc ồ ạt san lấp, lấn chiếm kênh rạch làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố. Đây là những sai lầm có tính hệ thống mà thành phố phải trả giá đắt để giải quyết những hậu quả do sự sai lầm này trong quy hoạch và phát triển đô thị. Điều đáng nói là ngay khi đã nhận ra những sai lầm này, thì theo ông Hoàng Minh Trí Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng đô thị hóa vẫn đang phát triển ồ ạt sang phía Nam. Nhiều kênh, rạch đã bị san lấp, nhiều mảng xanh dọc kênh, rạch không còn. Nhà cửa mọc lên san sát, những khu vực chưa có nhà xây thì cũng đã có chủ đầu tư và chỉ chờ thời điểm thích hợp để xây nhà.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, ngoài những sai lầm trong phát triển đô thị, việc đầu tư vào hệ thống chống ngập của thành phố hiện nay cũng khá lạc hậu, không theo kịp tình hình thực tế. Cụ thể, ngay từ khi những thước cống thoát nước đầu tiên được lắp đặt vào hệ thống thoát nước của các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, nhiều nhà khoa học, chuyên viên của các sở, ngành chức năng đã phát hiện tiết diện thiết kế của cống không còn phù hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Trong khi hầu hết các cống được thiết kế để tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng trung bình từ 75 - 92mm trong thời gian mưa 3 giờ, thì những cơn mưa có vũ lượng lớn hơn trong thời gian mưa ngắn hơn, dồn dập hơn đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hậu quả của việc công trình chống ngập không theo kịp những diễn biến bất thường của thời tiết là tình trạng ngập ngày càng nan giải. Nhiều khu vực trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vốn đã được xóa ngập từ nhiều năm trước nhưng nay bắt đầu tái ngập, mà đỉnh điểm là trận mưa cuối tháng 8 vừa qua khiến đường Phan Xích Long trở thành điểm ngập nặng nhất Thành phố. Nhiều khu vực thuộc các lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm vừa được nạo vét và lắp đặt cống mới đã bị ngập. Thậm chí một phần đường Võ Văn Kiệt, đoạn gần quận 6, quận 8 vừa mới được xây dựng cách đây chưa lâu, lại nằm ngay các lưu vực vừa được cải tạo, cũng bị ngập. Dù có nhiều cách lý giải về tình trạng ngập này nhưng nhiều chuyên gia cũng thống nhất, nguyên nhân lớn nhất là thiết kế của cống đã trở nên lạc hậu so với diễn biến thất thường của thời tiết. 

Một trong những nguyên nhân khác đó chính là những bất cập trong quản lý chống ngập. Thành phố đã thành lập một cơ quan độc lập trực thuộc UBND có chức năng tham mưu, thực hiện các chương trình, dự án thoát nước, chống ngập là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước. Trung tâm này chỉ được giao làm chủ đầu tư một số dự án chống ngập quan trọng như dự án cải tạo kênh Ba Bò, dự án thoát nước đô thị, dự án 1547… và tổ chức quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn.  Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý hệ thống thoát nước của thành phố lại phân tán trong nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau như  Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện, Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác thủy lợi... 

Điều đáng nói là việc phân cấp một phần hệ thống thoát nước cho quận - huyện quản lý nhưng việc đầu tư về nhân lực và kinh phí, trang thiết bị lại không được quan tâm đúng mức, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính liên thông và đồng bộ của hệ thống cống, nhất là từ cống nội bộ nhà dân, cống hẻm, cống cấp 3, cấp 2, cửa xả và kênh, rạch. Hệ thống thoát nước không được nạo vét đồng bộ, không phát huy tối đa hiệu quả thoát nước của toàn hệ thống cộng với hệ thống cống mới, đang triển khai chưa hoàn tất đã trở nên lạc hậu, không thay thế được hệ thống cũ khiến tình trạng ngập đang trở nên “vô phương cứu chữa”.
Bài và ảnh: Lê Hiền
TP.HCM tập trung giải quyết vấn đề ngập nước
TP.HCM tập trung giải quyết vấn đề ngập nước

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết trận mưa ngày 26/8 gây ngập nặng là do các tuyến cống thoát nước bị rác bít lại, kênh rạch bị lấn chiếm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN