GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những biện pháp cần thiết để chủ động phòng, chống dịch Ebola.´Việt Nam có khả năng xét nghiệm, chẩn đoán vi rút Ebola trong trường hợp có người nghi nhiễm không, thưa ông?Về kỹ thuật, chúng ta có đủ khả năng chẩn đoán xác định vi rút Ebola. Tuy nhiên, chúng ta chưa đủ điều kiện về an toàn sinh học để xét nghiệm Ebola tại Việt Nam, vì đây là vi rút tối nguy hiểm, theo quy định của WHO thì việc xét nghiệm chẩn đoán phải được thực hiện tại phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4, cấp cao nhất, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho cán bộ y tế và cộng đồng. Trong khi đó phòng an toàn sinh học tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ đạt cấp 3. Theo WHO, trên thế giới chỉ có 9 nước có phòng xét nghiệm chẩn đoán vi rút Ebola.
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra khai báo của khách nhập cảnh đến từ vùng dịch. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
|
Chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để gửi mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có trường hợp nhiễm vi rút Ebola tại Việt Nam. Quá trình lấy mẫu sẽ phải tuân thủ một quy trình rất nghiêm ngặt, nhân viên y tế được tập huấn kỹ lưỡng và được trang bị các phương tiện phòng hộ như quần áo mũ, khẩu trang, kính, găng tay, dùng ống nghiệm chân không để hút máu... và đóng gói bệnh phẩm 3 lớp theo đúng qui định trước khi gửi đến phòng xét nghiệm.
´Để chủ động phòng bệnh, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?Mặc dù vi rút Ebola nguy hiểm vì gây tử vong cao, nhưng người dân không nên vì thế mà quá hoang mang, lo sợ. Nguy cơ nhiễm vi rút Ebola cao chỉ khi có tiếp xúc với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc động vật nhiễm bệnh. Giả sử, vì công việc bắt buộc phải đến các quốc gia đang có dịch, thì cũng không đáng ngại nếu không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh hoặc động vật nhiễm bệnh, và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Tổ chức Y tế Thế giới cũng chưa khuyến cáo cấm đi lại, giao thương giữa các quốc gia, mà chỉ khuyến cáo hạn chế đi lại của những ca bệnh Ebola và những người tiếp xúc
Hiện nay, chưa có vắcxin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho những bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola (chủ yếu là điều trị triệu chứng và hồi sức tích cực). Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Bảo đảm vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); tránh tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; đeo găng tay và các biện pháp phòng hộ tránh lây nhiễm khi tiếp xúc hay chăm sóc bệnh nhân, không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; nếu đã đến hay đang ở vùng có dịch, mà xuất hiện các triệu chứng (sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, nôn, tiêu chảy, nôn, phát ban, xuất huyết...) trong vòng 21 ngày, cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác giám sát ở cửa khẩu, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt cho những người đi đến và về từ những vùng có dịch, về vi rút Ebola và các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm, dấu hiệu mắc bệnh… là rất quan trọng. Bên cạnh việc theo dõi nhiệt độ thân nhiệt của người đi từ vùng có dịch về, đặc biệt cần giám sát quản lý theo dõi về y tế đối với những người đi về từ vùng dịch đến Việt Nam và có biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân, đồng thời cần phải thông báo để những người đến từ vùng có dịch biết được địa điểm và số điện thoại liên hệ với cơ sở y tế cần đến khi họ thấy những dấu hiệu bất thường. Có như vậy thì mới kịp thời triển khai các biện pháp điều trị, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!