Khẩn cấp chặn dịch Ebola

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8 về việc kiên quyết ngăn chặn không để dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra, xâm nhập vào Việt Nam, tất cả các ngành liên quan đều đã được đặt vào tư thế “trực chiến”. Dù căn bệnh chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng với sự nguy hiểm của tỷ lệ tử vong lên tới 90% và chưa có vắcxin phòng bệnh, thì không thể lơ là với dịch bệnh này được.

Kiên quyết không để dịch xâm nhập

Sáng 9/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp khẩn cấp với các bộ, ngành chức năng để chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp khẩn về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh diễn ra ngày 9/8.Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN



Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mục tiêu cao nhất là bảo vệ sự an toàn tính mạng cho người dân. Ngành y tế, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, phải nỗ lực cao nhất, chủ động, khẩn trương, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, không để lây lan dịch bệnh do vi rút Ebola vào Việt Nam. Nếu dịch bệnh xảy ra, phải chuẩn bị sẵn sàng, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, nhằm ứng phó có hiệu quả nhất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nắm chắc tình hình dịch bệnh, thông báo kịp thời diễn biến, tính chất nguy hại của dịch bệnh cho toàn dân, đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin về cơ chế, con đường lây lan dịch bệnh, các biện pháp phòng chống đến người dân. Mỗi người dân cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, hiểu về dịch bệnh để chủ động phòng ngừa.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, có hướng dẫn rõ trong ngành về điều trị trị bệnh nếu xảy ra. Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ phải có các biện pháp hiệu quả trong giám sát, xét nghiệm, xác định, cách ly, khoanh vùng, điều trị…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành hữu quan tập trung trang bị thiết bị máy móc giám sát y tế ở tất cả các cửa khẩu, nếu phát hiện có dấu hiệu, nghi ngờ về dịch bệnh, phải cương quyết cách ly, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hiệu quả các biện pháp cần thiết, hạn chế công dân di du lịch, làm việc ở các nước có dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, trong công tác thông tin, truyên truyền về dịch bệnh phải cập nhật kịp thời, song cũng phải hết sức bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Tăng cường giám sát

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, bệnh do vi rút Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1392/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola.

Từ tháng 12/2013 đến 1/8/2014, dịch bệnh do vi rút Ebola đã bùng phát trở lại ở 4 quốc gia vùng Tây Phi là Guinera, Leberia, Sierra Leone và Nigeria; số trường hợp mắc và tử vong do vi rút Ebola tại 4 nước này liên tục tăng; tính đến ngày 8/8/2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 người tử vong tại 4 quốc gia Tây Phi. Đặc biệt, dịch lần này đã ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế đã mắc bệnh do vi rút Ebola, là những người đã trực tiếp tham gia vào chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Ebola tại các nước này.

“Hiện bệnh vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn”, đại diện Bộ y tế cho biết.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Ebola. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập là hoàn toàn có thể thông qua khách du lịch, người lao động về từ các quốc gia vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các quốc gia vùng Tây Phi.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch ứng phó với vi rút Ebola, gồm 3 kịch bản: Chưa ghi nhận ca bệnh, xuất hiện các ca bệnh và khi dịch lây lan trong cộng đồng.

Trong giai đoạn chưa ghi nhận ca bệnh như hiện nay, ngành y tế triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại các cửa khẩu và tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan dịch bệnh; thực hiện việc kiểm tra khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời. “Từ ngày 15/8, sẽ áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng không quá hoang mang”, ông Phu cho biết.

Cũng theo ông Phu, hiện nay, dịch bệnh mới chỉ bùng phát ở 4 nước (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone), không lây qua đường hô hấp, chỉ lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nên chỉ khuyến cáo các bộ, ngành thực hiện kê khai tờ khai y tế với những hành khách đi từ các quốc gia có dịch và chưa qua 21 ngày. Tại các cửa khẩu đường bộ, cũng sẽ thực hiện các thủ tục tương tự.

“Ngày 8/8, Bộ Y tế đã có quyết định số 2968/QĐ - BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola. Theo kế hoạch thì giữa tuần này, ngành sẽ tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ điều trị và các phương pháp phòng lây nhiễm, nhất là cho các đơn vị tiếp nhận các ca bệnh đầu tiên”, ông Trần Đắc Phu cho hay.

Trước đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh do vi rút Ebola. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan thông báo các cơ quan, tổ chức hạn chế cử cán bộ đi đến vùng đang có dịch; cơ quan ngoại giao ở nước có dịch bệnh kịp thời thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, tình hình sức khỏe của công dân Việt Nam ở nước sở tại…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tạm dừng đưa khách đi du lịch tại các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola Tổng cục Du lịch đã có văn bản khẩn gửi các Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch, tránh lây lan dịch bệnh Ebola ra cộng đồng. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc, tạm dừng việc đưa khách đi du lịch các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola; tăng cường quan tâm sức khỏe du khách, thông tin hướng dẫn du khách các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các đơn vị du lịch hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch khi đón khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh; thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe theo đúng quy định. Các khách sạn, cơ sở lưu trú phải triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách lưu trú; phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương để phòng chống dịch bệnh cho khách du lịch và thông báo đến cơ quan chức năng kịp thời những dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh…



Phương Liên- Xuân Cường- TTN


Tạm dừng đưa khách du lịch tới một số nước có dịch Ebola
Tạm dừng đưa khách du lịch tới một số nước có dịch Ebola

Tổng cục Du lịch đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc, tạm dừng việc đưa khách đi du lịch đến các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola là Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN