Theo đó, hầu hết các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công (trừ một số công trình trọng điểm, cấp bách được thành phố cho phép hoạt động), dẫn đến tình trạng nhiều công nhân lao động phải nghỉ việc, “mắc kẹt” tại các lán trại, xóm lao động, khu nhà trọ. Mặc dù thành phố đã chỉ đạo các lực lượng và chính quyền địa phương tập trung rà soát, huy động mọi nguồn hỗ trợ, song tại một số nơi, nhiều công nhân xây dựng vẫn còn ở trong tình trạng gặp khó khăn.
Khó khăn về lương thực, thực phẩm
Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đấy”, các nhóm thợ xây, công nhân xây dựng ngoại tỉnh không thể về quê, “mắc kẹt” trên địa bàn thành phố, nhất là ở các khu vực xóm trọ có đông lao động nghèo. Họ phải duy trì cuộc sống hàng ngày trong điều kiện sống chật chội, khó khăn với số tiền ít ỏi và lương thực, thực phẩm hạn chế.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm “Giúp nhau mùa dịch”, chia sẻ mong muốn giúp đỡ các nhóm thợ xây, công nhân xây dựng ngoại tỉnh đang “mắc kẹt” trên địa bàn.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, 1 trong nhóm 18 người đang làm công nhân xây dựng cho một công trình nhà ở thuộc quận Hà Đông cho biết, nhóm của anh tất cả đều cùng quê Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc. Nhưng khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, anh cùng những công nhân khác tạm thời không có việc làm và cũng không thể ra ngoài, dành hầu như toàn bộ thời gian của mình trong nhà trọ chỉ vỏn vẹn 40m2.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, hầu hết lương thực, thực phẩm đều được chủ thầu cung cấp cho nhóm của anh Sơn. Tuy nhiên, do cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, chủ thầu không còn đủ kinh phí để duy trì việc mua lương thực, thực phẩm hằng ngày cho toàn bộ công nhân. Lượng thức ăn được cung cấp ngày một ít hơn, anh Sơn cùng những người khác phải sử dụng số tiền ít ỏi của mình để mua bổ sung thêm.
“Tiền lương tháng nào tôi cũng tiết kiệm rồi gửi về hết cho gia đình, chỉ dám giữ lại một ít để chi tiêu hằng ngày. Bây giờ khó khăn, chủ cũng không thể ứng lương trước cho mọi người nên chúng tôi dành dụm tiền rồi đưa cho một người lo việc đi chợ, mua tích trữ lương thực, mì tôm. Bữa cơm hằng ngày của chúng tôi đơn giản lắm, có lúc chỉ ăn gói mì tôm cho qua bữa. Ngày trước được ăn ba bữa giờ chỉ dám ăn hai thôi”, anh Sơn chia sẻ.
Đáng chú ý, khi Hà Nội quyết định giãn cách xã hội thêm 2 tuần (đến ngày 6/9) để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, nhóm thợ của anh Sơn đã không còn tiền, lượng thực thực phẩm cạn kiệt. Mặc dù nhận được cung ứng của chính quyền địa phương, song nguồn cung cấp này vẫn không đủ cho sinh hoạt. Mấy này nay, anh Sơn đăng bài trên các hội nhóm trên mạng xã hội, mong nhận được sự giúp đỡ để duy trì cuộc sống.
Cùng chung cảnh ngộ như nhóm công nhân xây dựng thuộc quận Hà Đông, nhóm của anh Nguyễn Văn Huy tại huyện Thanh Trì cũng gặp khó khăn khi thiếu thốn lương thực. Từ Yên Bái xuống Hà Nội làm công nhân tại các công trình, chưa được 1 tháng thì Hà Nội giãn cách xã hội, anh Huy cùng 12 công nhân khác bị mắc kẹt lại, không thể trở về quê.
Anh Huy cho biết, những ngày đầu, nhóm của anh đã phải sử dụng tiền tích cóp cá nhân để chia nhau đi mua lương thực tích trữ. Dù cũng đã nhận được đồ cứu trợ của Phường, nhưng không đủ. Những ngày gần đây, tiền cũng không còn, nhóm của anh Huy phải ăn mì tôm sống cho qua bữa.
“Chủ thầu giờ cũng không thể lo cho anh em chúng tôi được, số lượng công nhân quá đông, nếu phải mua toàn bộ lương thực đủ cho nhiều tuần giãn cách là không thể. Không chỉ có nhóm chúng tôi mà còn nhiều nhóm công nhân khác cũng gặp khó khăn nên chúng tôi phải tự lo cho bản thân mình. Lúc Hà Nội có đợt giãn cách thứ hai, hàng xóm xung quanh thấy anh em công nhân thiếu thốn nên đã giúp đỡ, cho chúng tôi ít gạo, rau và trứng, nhưng sau đó mọi người cũng gặp khó khăn, không thể tiếp tục giúp”, anh Huy cho biết.
Niềm mong mỏi lớn nhất của anh Huy và nhiều người lao động bị mắc kẹt lại lúc này là làm sao sớm được trở về quê với gia đình, vợ con. Thế nhưng dịch bệnh phức tạp, không có tuyến xe chạy, không được ra ngoài, giờ chỉ còn biết cố gắng cầm cự cho đến khi dịch bệnh qua đi. Anh chỉ mong có người trợ giúp về lương thực, thực phẩm để nhóm của anh không phải tiếp tục nhịn đói. Do không thông thạo sử dụng các mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, anh Sơn phải nhờ người hàng xóm đăng bài kêu gọi hỗ trợ giúp.
Cần thêm nữa những tấm lòng
Thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể của thành phố Hà Nội khẩn trương hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, có thể kể đến nhiều mô hình trợ giúp người dân gặp khó khăn hiệu quả như: “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” của Thành Đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội, trong đó mỗi hộ gia đình được phát phiếu quà tặng trị giá 400 nghìn đồng để mua hàng tại siêu thị. Đối với người dân bị "mắc kẹt" tại khu cách ly phong tỏa không thể ra ngoài, những chuyến xe của Ban Tổ chức chương trình sẽ mang hàng hóa nhu yếu phẩm đến tận nơi. Hay như “Cửa hàng 0 đồng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quốc Oai mở cửa vào các buổi sáng trong tuần, cung cấp cho người dân trong khu vực này những nông sản trong vùng như trứng, miến, rau xanh. Chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp Nhóm Thần tốc Hà Nội tổ chức. Đáng chú ý, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức hàng chục chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” và trao tặng hàng chục ngàn “Túi An sinh Công đoàn” hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho công nhân bị cách ly và công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các suất quà là nhu yếu phẩm (mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng) cho 3.180 hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Tuy nhiên, đặc thù của Hà Nội có số lượng lao động ngoại tỉnh đến làm việc lớn nên thực tế là không chỉ có nhóm anh Sơn, anh Huy mà còn nhiều nhóm công nhân xây dựng trên địa bàn Thủ đô đang lâm vào tình trạng khó khăn do thiếu lương thực, đồ dùng thiết yếu trong mùa dịch bệnh.
Hầu hết các nhóm công nhân đều làm việc tại các công trình nhà dân, trường học. Số lượng một nhóm làm việc thường rất đông, có khi lên đến 20-30 người. Họ phải sống chung trong cùng một phòng trọ chật hẹp hay một lán tạm dựng gần công trường. Nhiều trường hợp chủ thầu không hỗ trợ hoặc không còn khả năng hỗ trợ, công nhân phải dựa vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, chính quyền địa phương để tiếp tục trụ lại đến khi hết giãn cách xã hội.
Chị Nguyễn Thị Bình, một nhà hảo tâm cho hay, nhiều nhóm công nhân xây dựng là người dân tộc xuống Hà Nội làm việc, không có điện thoại thông minh, khi gặp khó khăn không biết kêu ai. Có những tốp thợ không xin được tạm trú, tạm vắng nên không nhận được quà hỗ trợ. “May sao có những người tốt xung quanh để ý, đưa hoàn cảnh của nhóm công nhân lên các hội nhóm trên mạng xã hội để kêu gọi những ai ở gần giúp đỡ họ, đưa họ thêm lương thực, thực phẩm trong những ngày giãn cách. Song, việc kêu gọi này lại diễn ra tràn lan, chúng tôi phải xác minh thông tin kỹ càng, đảm bảo những trường hợp thật sự khó khăn được giúp đỡ kịp thời, động viên người lao động yên tâm thực hiện tốt Chỉ thị 17 của thành phố Hà Nội”, chị Bình chia sẻ.