Góp sức trong “ngày hội non sông”

Được giao nhiệm vụ làm tuyến tin, ảnh tuyên truyền về ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhóm phóng viên TTXVN phấn khởi lên đường đến với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo xa xôi.

Nhà báo Viết Tôn, Phó Phòng Chuyên đề Báo Tin Tức: Đến với ngã ba biên giới

Xác định ý nghĩa lớn lao của ngày hội toàn dân đi bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đông nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi đã đề xuất với Ban biên tập báo Tin Tức được đi công tác tuyên truyền về ngày bầu cử ở tỉnh Kon Tum; đây là địa phương có các huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy được Hội đồng bầu cử Quốc gia đồng ý cho bầu cử sớm trước một ngày so với ngày bầu cử toàn quốc.

Nhà báo Viết Tôn phỏng vấn cử tri.

Để đến xã Đắk Nhoong huyện Đăk Glei ngay từ chiều 20/5, tôi và nhà báo Hoàng Cao Nguyên, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Kon Tum đã chuẩn bị “đồ nghề” tư trang để đến với xã vùng biên giới nơi có tới 95% đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng sinh sống. Con đường từ trung tâm huyện Đăk Glei vào xã Đăk Nhoong quanh co bên sườn núi. Do ngày hôm trước có mưa, nên đường vào xã thi thoảng lại gặp những “ổ voi” đầy nước như những cái ao giữa đường. Chiếc xe Ford của anh Hoàng Cao Nguyên thi thoảng lại sạt gầm”.

Vào được đến xã đã cuối ngày, chúng tôi tìm tới Đồn Biên phòng Đăk Nhoong để xin nghỉ nhờ để sáng hôm sau vào làng Đăk Ung đưa tin đồng bào Giẻ - Triêng đi bầu cử. Là địa phương giáp ranh với nước bạn Lào nên đường truyền Internet rất khó khăn, phóng viên phải bật 3G bằng điện thoại di động để kết nối đường truyền gửi tin, ảnh về Hà Nội nhưng chỉ được vài giây lại mất sóng. Nhóm phóng viên TTXVN đành chọn giải pháp tranh thủ phỏng vấn, ghi hình đồng bào Giẻ - Triêng nô nức đi bầu cử, xong lại vội vàng lên xe trở ra huyện Đăk Glei để truyền tin, bài, ảnh về tổng xã. Về đến trung tâm huyện đồng hồ đã gần 11 giờ đêm, cả nhóm quên cả cơm trưa, ai nấy đều lách cách gõ bàn phím để phát về những bản tin, bài viết, hình ảnh về ngày bầu cử sớm của đồng bào Giẻ - Triêng.

Truyền tin xong, chúng tôi tiếp tục di chuyển về huyện Ngọc Hồi để sáng hôm sau 22/5 tiếp tục đưa tin về ngày hội toàn dân đi bầu cử. Chính ở nơi ngã ba Đông Dương, xã Bờ Y, huyện Ngọc Ngồi, nhà báo Viết Tôn đã có bài ghi nhanh “Lá phiếu ở ngã ba biên giới” chuyển tải tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc K.Dong, Bờ Râu, Giẻ - Triêng, Tày, Thái… nô nức đi bầu cử. Bài viết và những hình ảnh ấn tượng của phóng viên Viết Tôn chuyển về được đăng tải trên trang điện tử baotintuc.vn và trang tin nguồn của TTXVN.

Nhà báo Quý Trung, Phòng Ảnh chuyên đề, Ban Biên tập ảnh: Lá phiếu sớm từ Lai Châu

Khi biết Lai Châu là một trong những địa phương có 3 xã đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Tè tổ chức bầu cử sớm vào ngày 15/5, lãnh đạo dự kiến cử 2 phóng viên cùng đi để hỗ trợ cho nhau khi tác nghiệp. Nhưng tôi tự tin và đề xuất xin đi một mình không một chút do dự, ngần ngại khó khăn.

Nhà báo Quý Trung gửi tin, ảnh về Tổng xã.

Vượt qua gần 800 km, khi tới trung tâm thị trấn Mường Tè, trước mắt tôi bầu trời tối sầm. Một cơn mưa lớn đã làm dịu đi cái nắng oi bức của mùa hè, nhưng trong tôi lại nóng hơn so với nhiệt độ ngoài trời bởi suy tư: Mưa to thế thì quãng đường tới một trong 3 xã được tổ chức bầu cử sớm sẽ sạt lở, cản trở hành trình của tôi. Vượt bao đèo dốc, sáng hôm sau tôi đã tới xã Tá Bạ, một xã biên giới đặc biệt khó khăn mới tách ra từ xã Ka Lăng, cách thành phố Lai Châu gần 300 km.

Nhà báo Trọng Thủy, phòng Văn hóa - Thể thao, báo Tin Tức cùng tác nghiệp tại địa bàn chia sẻ: “Ở hầu hết các huyện biên giới khó khăn, xe khách, xe ôm đi về các xã hầu như không có. Cách duy nhất là ngược lên xã bằng xe máy. Phóng viên đề nghị mượn một chiếc xe máy để đi cho kịp phản ánh công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử hôm sau (15/5). Lúc đầu anh Chánh Văn phòng UBND huyện Mường Tè còn ái ngại không muốn để các phóng viên tự đi, nhưng thuyết phục mãi cũng xuôi. Và chúng tôi được cấp một chiếc xe số, khá mới với bình xăng đã được đổ đầy”.

Mặc dù trời không còn mưa nhưng tôi vẫn phải mặc áo mưa vì sương mùa và giá lạnh. Theo con đường trước mặt, đi được chừng 8 km trước mắt tôi là một con dốc đất đá ngổn ngang do đang mở đường. Tôi dắt chiếc xe máy cài số 1 ngược dốc nhưng không thể đi nhanh được. Sương mù mỗi lúc một dày, leo qua những tảng đá gập ghềnh, sau gần một giờ, bản Là Pê 1 xã Tá Bạ cũng hiện ra trước mắt. Đúng ngày bầu cử sớm diễn ra, khung cảnh núi rừng Tây Bắc thật lãng mạn, sương mù bao trùm kín cả các bản làng của xã. Ngay từ sáng sớm người dân đã tập trung đông đủ để thực hiện quyền công dân của mình với những bộ váy áo rực rỡ của đồng bào các dân tộc.

Khi tác nghiệp xong, tôi làm tin và xử lý hình ảnh thật nhanh để gửi về Tổng xã, nhưng thật buồn vì sóng điện thoại chập chờn, 3G thì không kết nối. Tôi tức tốc quay ra xã mặc dù người đã rất mệt, khi về tới trung tâm xã đã gần 11 giờ trưa. Tin, ảnh của tôi phản ánh về cuộc bầu cử sớm được duyệt phát ngay.

Nhà báo Thùy Ngân, Truyền hình Thông tấn: Thức khuya, dậy sớm nhưng… vẫn phải tươi

Tôi nhận nhiệm vụ đưa tin tại điểm bầu cử xã ATK Tân Trào (Tuyên Quang), nơi diễn ra Quốc dân Đại hội năm 1945. Thông tin đầu tiên phát sóng vào bản tin 6 giờ sáng, vì vậy, ngay từ tối hôm trước, ê - kip làm tin truyền hình đã lên đường. Chúng tôi chọn thời điểm xuất phát buổi tối vì cả ngày 21/5, chúng tôi làm việc tại cơ quan, lên kịch bản kỹ lưỡng, bàn bạc với nhau để khớp sóng. 22 giờ đêm chúng tôi đến Tân Trào, làm việc với UBND xã đến 23 giờ về kế hoạch làm việc. 4 giờ sáng ngày hôm sau, cả ê - kip, chuẩn bị trang phục, máy móc thiết bị, và có mặt tại Đình Tân Trào để thực hiện chương trình.

Nhà báo Thùy Ngân dẫn hiện trường từ Tân Trào (Tuyên Quang).

Phóng viên truyền hình thức khuya, dậy sớm, nhưng khi xuất hiện trên truyền hình vẫn phải đảm bảo về hình thức. Tôi quyết định mặc trang phục của dân tộc Tày - dân tộc chủ yếu sinh sống tại Tân Trào, một phần để tạo điểm nhấn vùng miền, một phần để thể hiện tinh thần ngày hội non sông ở Thủ đô kháng chiến. Chúng tôi đã hoàn thành chương trình cho bản tin 6 giờ, 8 giờ, 11 giờ, 18 giờ.

Những chuyến công tác gấp, hay công tác dài ngày đối với phóng viên thường xuyên như "cơm bữa". Dù sáng sớm, đêm khuya, dù là bão gió hay nắng hạn, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng lên đường. 7 năm gắn bó với nghề, tôi thấy rằng: Nghề báo đã yêu là khó bỏ lắm. Càng làm càng say nghề.

Nhà báo Anh Đức, Báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh: Khắc họa “ngày hội” chân thực, sinh động

Đúng 6 giờ ngày 22/5, lãnh đạo cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, anh em phóng viên được phân công tác nghiệp tại hiện trường; bộ phận biên tập, xử lý tin bài, hình ảnh đã có mặt đông đủ. Ăn vội ổ bánh mì, chúng tôi nhanh chóng di chuyển đi khắp nơi để đưa tin về ngày hội lớn diễn ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Nhà báo Anh Đức (bên phải ảnh) tại một điểm bỏ phiếu.

Trước đó, nhóm của tôi được phân công tại điểm bầu cử số 41 (đường Trần Quốc Thảo, quận 3) để ghi nhận hình ảnh, thông tin nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Đức Tổng giám mục Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục của Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và cử tri quận 3 đến thực hiện quyền công dân của mình. Chúng tôi được yêu cầu trước 8 giờ phải có thông tin, hình ảnh truyền về nhà cho bộ phận biên tập hiệu đính.

Ngày 22/5, ngày của toàn thể cử tri cả nước nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, chúng tôi - những nhà báo TTXVN không chỉ làm tròn trách nhiệm và quyền lợi của một người công dân để bầu chọn ra người tài đức phụng sự cho đất nước, nhân dân mà còn vinh dự, hạnh phúc được góp một phần sức lực bé nhỏ của mình “tô điểm” cho ngày hội non sông càng rực rỡ hơn.

Nhà báo Lê Lâm, Ban biên tập ảnh thường trú tại Đà Nẵng: Niềm vui làm tin bầu cử ở Trường Sa

Ngay khi nhận được thông báo về việc được chọn đi thực hiện công tác thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại các xã đảo thuộc huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), tôi và phóng viên Đỗ Trưởng (Cơ quan TTXVN tại Quảng Nam) đã gặp nhau tại Đà Nẵng, thực hiện chuyến công tác “đặc biệt” đến quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), cùng các cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân xuất phát làm công tác bầu cử cho các xã đảo thuộc huyện Trường Sa được bầu cử sớm vào ngày 15/5/2016 (sớm một tuần so với ngày bầu cử của cả nước vào 22/5).

Nhà báo Lê Lâm tác nghiệp tại đảo Song Tử Tây.


Sáng 5/5 tại cầu cảng Cam Ranh, lễ tiễn đoàn đi làm nhiệm vụ bầu cử sớm cho các đảo được diễn ra long trọng, trong tiếng còi tàu rền vang chào đoàn lên đường làm nhiệm vụ, ai ai cũng hồ hởi phấn khởi được mang trong mình một trọng trách lớn. Tàu vừa rời cảng ra khơi cũng là lúc những tin tức, hình ảnh, clip đầu tiên về chuyến hành trình được phóng viên TTXVN ghi lại gửi về các Ban biên tập tại Tổng xã. Hai phóng viên TTXVN được chỉ định đi theo tàu 633 do thượng tá Đào Giang Hải, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 làm Trưởng đoàn cùng đi có 2 phóng viên Đài truyền hình Khánh Hòa và một phóng viên báo Tuổi Trẻ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đoàn công tác và các cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146.

Xuất phát vươn khơi, con tàu lại chồm lên hụp xuống như một chiếc lá mỏng manh giữa biển. Thời tiết thay đổi, những cơn sóng biển mạnh lên đã làm cho các thành viên, phóng viên trên tàu biết thế nào là say sóng và đa số đều nằm nghỉ mệt tại sàn tàu. Đây không phải là tàu dành chở các đoàn khách đi thăm các đảo Trường Sa mà tàu 633 nhỏ hơn nhiều và chỉ chuyên dùng để vận tải chuyển hàng hóa, điều kiện sinh hoạt trên tàu còn nhiều khó khăn, chỗ ở trên tàu rất hẹp, nước ngọt trên tàu phải sử dụng tiết kiệm cho chuyến hải trình dài ngày.

Xe của nhà báo Hoàng Cao Nguyên (Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Kon Tum) bị sa lầy trên đường tới điểm bầu cử xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Ảnh:Viết Tôn

Tại các điểm đảo, không khí cho Ngày hội lớn trên đảo đang diễn ra khẩn trương, chu đáo. Đoàn công tác đã tiến hành bàn giao thùng phiếu, thẻ cử tri, phiếu bầu và danh sách các ứng cử viên cho chính quyền xã đảo và thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần quân dân trên đảo. Chúng tôi nhanh chóng chọn những góc máy đẹp, khuôn hình ấn tượng, hỗ trợ nhau phỏng vấn người dân, chính quyền về công tác chuẩn bị bầu cử trên đảo. 

Gấp rút và khẩn trương tôi chọn cho mình một chỗ làm việc tạm thời trên ghế đá để kịp phát những hình ảnh về công tác chuẩn bị bầu cử sớm ở các xã đảo về Ban biên tập ảnh. Phóng viên Đỗ Trưởng cũng nhanh chóng rút máy tính xử lý các clip vừa quay ra để dựng tin, chuyển về cho kịp thời gian. Mỗi đảo thời gian chúng tôi chỉ được phép lên chỉ có hơn 2 tiếng đồng hồ vừa để ra vào đảo vừa tác nghiệp và xử lý tin, ảnh, clip truyền hình, nếu không làm kịp sau khi ra tàu rời khỏi đảo thì không thể nào gửi được những tin, ảnh mới nhất về tình hình chuẩn bị bầu cử ở các xã đảo Trường Sa về đất liền vì không có sóng điện thoại và sóng Internet.

Nhà báo Lộc Phương Lan (báo Tin Tức) tác nghiệp trong một chuyến công tác tại Trường Sa.

Với mong muốn phản ánh những hình ảnh mới nhất, chân thực nhất về cuộc sống và không khí chuẩn bị bầu cử của quân dân từng xã đảo đang mong chờ ngày được thực hiện quyền bầu cử của mình. Chúng tôi đã truyền tải được những tin bài, hình ảnh rực rỡ, nô nức chuẩn bị ngày hội bầu cử sớm của quân dân các xã đảo Trường Sa và đã được cập nhật liên tục trên mạng và được các báo sử dụng tuyên truyền đăng tải.

Có những lúc chưa hoàn thành kịp tin bài, hình ảnh để gửi về cơ quan thì cả nhóm phóng viên trên tàu cứ đứng ngồi không yên, lại hì hục gõ lốc cốc gương mặt ai cũng nhìn thật căng thẳng nhằm hoàn thành các sản phẩm tin tức để khi nào tàu dừng nghỉ đêm gần đảo thì lại tranh thủ gửi về đơn vị. Sóng yếu người sử dụng điện thoại vào mạng lại nhiều bởi vậy chuyện rớt mạng ở phút chót là thường xuyên, khi các sản phẩm tin tức đang gửi chạy được gần xong quá trình tải dữ liệu 90% thì “bụp” rớt mạng; lúc này chỉ biết “nóng mặt” rồi ngồi gửi lại từ đầu vì ở đây chỉ có mạng Internet 2G không thể gửi nhanh hơn được.

Hơn 4 giờ sáng tôi lại trèo lên boong tàu để chuyển tải các hình ảnh về Ban biên tập ảnh, phải chọn chỗ cao nhất của tàu để không bị cản sóng. Với tôi các file ảnh dù đã được nén đến mức hết cỡ chỉ còn hơn 100 kB mà vẫn phải ngồi chờ mạng tải xoay tròn đến chóng mặt với mỗi email chỉ chuyển một tấm ảnh; nên đành phải đặt báo thức để dậy sớm gửi tin ảnh cho khỏi nghẽn mạng với hy vọng đường truyền sẽ nhanh hơn vì mọi người vẫn say giấc.

Gửi ảnh về xong lại tranh thủ gọi điện về Ban biên tập xem đã có tin, ảnh trong hộp thư chưa và nhờ các anh, chị biên tập xử lý sớm, chỉ ít phút sau các tin, hình ảnh về chuẩn bị bầu cử ở Trường Sa đã được phát mạng. Niềm vui sướng được xem sản phẩm của mình trên mạng cũng là niềm động viên dành cho các phóng viên đi công tác nơi đảo xa.
Nhóm PV
Làm báo là không ngừng vận động
Làm báo là không ngừng vận động

Sáng 6/3, Báo Tin tức, kênh thông tin của Chính phủ do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phát hành, đã tổ chức Hội nghị cán bộ viên chức và phát động thi đua năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN