Giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh

Việc ứng dụng thí điểm công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) tại 3 tỉnh thành (Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh) đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận.


Bớt sổ sách nhiêu khê

Khi được Bộ Y tế, BHXH Việt Nam lựa chọn thí điểm ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT, BHXH thành phố Hải Phòng đầu tư kết nối dữ liệu với hệ thống và triển khai tập huấn sử dụng phần mềm tới tất cả nhân viên các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Theo cán bộ trạm Y tế xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), khi ứng dụng CNTT, vấn đề sổ sách, giấy tờ đã giảm hẳn, đồng thời tránh được sai sót.

Hướng dẫn khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế Hải Phòng.

Đại diện BHXH huyện Tiên Lãng cho biết, việc áp dụng hệ thống CNTT cũng giúp lọc được những hồ sơ trùng họ tên, trùng số thẻ, trùng hồ sơ khám, kể cả những hồ sơ khám ngày nghỉ, ngày lễ một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác. Việc cập nhật KCB diễn ra trong ngày, qua đó thanh quyết toán với cơ sở KCB diễn ra nhanh chóng.

Theo BHXH Hải Phòng, tất cả các dữ liệu của các cơ sở KCB tại Hải Phòng được kết nối liên thông và quản lý tập trung, thống nhất giữa cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và cơ quan BHXH, từ đó tạo thuận lợi cho việc giám định, thanh quyết toán BHYT. Đồng thời, phần mềm có công cụ hỗ trợ việc phân loại, cảnh báo các hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh một cách tự động; thực hiện được việc chuẩn hóa các danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc và vật tư y tế áp dụng thống nhất.

Tuy nhiên, điểm bất cập hiện nay là các cơ sở KCB tại Hải Phòng ứng dụng tới 9 phần mềm quản lý của các đơn vị cung cấp khác nhau, nên thiếu đồng bộ khi kết nối. Do đó, thời gian tới, BHXH và ngành y tế Hải Phòng sẽ tiến hành chuẩn hóa việc kết nối dữ liệu.

Theo Vụ bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), đây cũng là tình trạng chung trên cả nước. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh sử dụng phần mềm do các đối tác cung cấp trên các nền tảng khác nhau; chưa có hệ thống hạ tầng kết nối mạng lưới y tế và liên thông cơ sở dữ liệu bệnh nhân, bệnh án điện tử giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc. Việc ứng dụng CNTT của các cơ sở KCB vẫn tự phát, manh mún, chưa có tính hệ thống nên chưa thể kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau. Bên cạnh đó, các danh mục dùng chung trong ngành y tế (như danh mục mã bệnh, thuốc, trang thiết bị y tế, thậm chí ngay cả danh mục cơ sở khám chữa bệnh…) cũng chưa được chuẩn hóa, mã hóa và số hóa.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT nhằm kết nối liên thông hệ thống thông tin y tế giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan bảo hiểm xã hội, 1.356 bệnh viện các tuyến, 704 cơ quan bảo hiểm xã quận/huyện, 704 trung tâm y tế huyện; 710 trung tâm y tế cơ quan xí nghiệp và 11.105 trạm y tế xã phường trên cả nước… được xây dựng với mục tiêu chuẩn hóa và ban hành các danh mục dùng chung, xây dựng hệ thống CNTT về quản lý KCB và các cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ công tác giám định và thanh toán BHYT. Đặc biệt, đây chính là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung quốc gia về KCB phục vụ thống kê số liệu chính xác, từ đó ra quyết định cho cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Trong công tác KCB và thanh toán BHYT, vấn đề bức xúc nhất là tình trạng lạm dụng khai khống thuốc, vật tư y tế. Việc ứng dụng CNTT liên thông giữa cơ sở y tế và BHXH sẽ giúp minh bạch thông tin và loại bỏ việc ghi thêm đơn thuốc, vật tư y tế. Qua mô hình thí điểm tại Hải Phòng đã giúp ngành loại bỏ “khai khống” và tiết kiệm 50 tỷ đồng. Do đó, khi việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT được triển khai đồng bộ vào năm 2016, sẽ giúp ngành BHXH tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này sẽ được tái đầu tư vào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn”.
XM
Người bệnh đã tin bệnh viện tuyến dưới
Người bệnh đã tin bệnh viện tuyến dưới

Các bệnh viện tuyến quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh trước đây chủ yếu tiếp nhận sơ cấp cứu, khám và điều trị những bệnh thông thường… bởi các trang thiết bị, cơ sở vật chất và cả đội ngũ y bác sĩ thiếu thốn. Thế nhưng, chỉ 2 - 3 năm trở lại đây, các bệnh viện tuyến cơ sở này đã “thay máu”, khi có thể đảm nhận nhiều ca cấp cứu nguy hiểm, điều trị thành công nhiều ca bệnh khó đòi hỏi kỹ thuật hiện đại và ê kíp y bác sĩ lành nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN