Hơi nước hiện hữu mạnh hơn trong khí quyển dẫn đến những trận mưa lớn cực đoan và lũ lụt. Sự ấm lên của đại dương thúc đẩy các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm gia tăng cực đoan hơn nữa. Tuy nhiên, 1/3 dân số thế giới hiện nay vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin dự báo, cảnh báo sớm.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết đề cập về tính cấp thiết trong cảnh báo sớm và hành động sớm về phòng, chống thiên tai, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực trong công tác cảnh báo sớm, hành động sớm để giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Bài 1: Hiệu quả từ cảnh báo sớm
Trong 50 năm qua, số lượng các hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước đã tăng gấp 5 lần, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, vấn đề cảnh báo và hành động sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tiến tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai là đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Khí hậu ngày càng cực đoan, dị thường, trái quy luật
Theo các nghiên cứu và dự tính của các chuyên gia, xu hướng tiêu cực của khí hậu vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Khí nhà kính được ghi nhận đang ở mức kỷ lục. Đây là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới. Băng tan và mực nước biển dâng có thể kéo dài đến hàng thế kỷ, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tổ chức Khí tượng thế giới cũng như các quốc gia thành viên đã thống nhất quan điểm: "Hệ thống cảnh báo sớm" là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Thông tin cảnh báo sớm giúp phản ứng đúng lúc, đúng chỗ và có thể cứu sống nhiều người, bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi.
Tại Việt Nam, Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho thấy, trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan trải dài, rộng khắp các miền của đất nước. Điển hình là hiện tượng khô hạn và mưa cực đoan ở miền Trung, rét đậm và rét hại ở miền núi phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam.
Báo cáo dẫn chứng, năm 2016, người dân miền Trung và miền Nam đã trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn lớn nhất trong lịch sử 90 năm vừa qua, ảnh hưởng tới hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 18 tỉnh phải thông báo tình trạng khẩn cấp. Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng hơn trong giai đoạn trước năm 2015.
Ngay từ giữa năm 2019, mực nước thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5-5m; trung lưu và hạ lưu thấp hơn từ 2,5-3,5m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long tại trạm Kratie (Campuchia) thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 48%, tương đương năm 2010, đây là năm thiếu hụt kỷ lục. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long lấn sâu vào đất liền hơn năm 2016 từ 3-7km.
Đợt nắng nóng năm 2019 ở Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ đo được có ngày lên tới 43,4 độ C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc của Việt Nam đến nay. Tình hình rét đậm, rét hại tại Bắc Bộ có sự biến đổi phức tạp và biến động mạnh qua các năm. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ dài các đợt rét có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt trong những năm gần đây đã xuất hiện những đợt rét hại có nhiệt độ ở mức thấp nhất trong 40 năm gần đây như: tại Pha Đin, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hay Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nhiệt độ thấp nhất từ -5 độ C tới -4 độ C; băng tuyết xuất hiện nhiều nơi, một số nơi như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An) có mưa tuyết lần đầu tiên trong lịch sử.
"Theo thống kê trong vòng 20 năm qua, tổng số cơn bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng, diễn biến đổ bộ của bão cũng ghi nhận nhiều hiện tượng dị thường, trái với quy luật. Tháng 10/2016, bão số 7 đổ bộ vào Quảng Ninh trong khi theo quy luật thời gian này bão thường đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ" - báo cáo dẫn chứng.
Trong số 22 loại hình thiên tai trên thế giới, Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai (chỉ trừ sóng thần). 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% GDP. Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, quy mô dân số và nền kinh tế ngày càng lớn.
Hiệu quả từ việc nâng cao chất lượng cảnh báo sớm
Trong những năm gần đây, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chú trọng tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn để các cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân có thêm thời gian chuẩn bị, xây dựng kế hoạch sớm ứng phó thiên tai. Vấn đề này được cụ thể hóa bằng Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhấn mạnh: Chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Việt Nam dần tiệm cận trình độ các nước tiên tiến, góp phần giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày. Nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa đã được mở rộng hạn dự báo. Trung tâm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/năm).
Đối với bão, áp thấp nhiệt đới, thời điểm đầu năm 2000 vẫn chỉ dự báo 24 giờ, hiện nay đã nâng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông, sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại đã cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày. Việc dự báo thời tiết biển đã có những đổi mới vượt bậc do tiếp thu các công nghệ mới của nước ngoài, độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km và dự báo sóng với hạn dự báo đến 10 ngày.
Việc chú trọng tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống người dân.
Trong mùa mưa bão năm 2020, thông tin dự báo sớm đã góp phần chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai trên biển. Riêng với cơn bão số 9- một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo rất sớm công tác dự báo, cảnh báo từ trước khi bão vào Biển Đông. Nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm, nước ta đã không có thiệt hại về người trong cơn bão này.
Năm 2021, nhờ công tác dự báo sớm và tin cậy, thiệt hại thiên tai giảm rất nhiều so với năm 2020 và là một trong những năm có thiệt hại thấp nhất. Trong đó, cơn bão số 9 (tên quốc tế RAI) là một cơn bão rất mạnh có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác dự báo đã triển khai từ rất sớm. Việc đưa ra thông tin dự báo từ sớm, có độ tin cậy rất cao đã giảm thiểu được các nguồn lực nhà nước trong việc ứng phó cơn bão rất mạnh này.
Bài cuối - Cảnh báo sớm và hành động sớm gắn chặt với thực tiễn