Còn nhiều bất cập
Chị Nguyễn Thị Liên, cán bộ chuyên trách dân số xã Tây Đằng (huyện Ba Vì) tâm sự, cán bộ chuyên trách và CTV dân số đến tận ngõ, gõ tận nhà để vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu” nhưng không ít lần người dân bất hợp tác.
“Gia đình anh chị V rất hoàn cảnh, chồng nghiện ma túy, nhiễm HIV lây sang cho vợ nhưng khi cán bộ chuyên trách và CTV dân số đến vận động, chị đều trốn sang nhà hàng xóm. Vậy nên, dù nhiễm HIV nhưng vợ chồng chị V vẫn đẻ đến con thứ 5, trong đó 3 cháu bị nhiễm HIV. Ở gia đình khác khá giả hơn thì quan niệm “tôi đẻ, tôi nuôi”, cho rằng CTV dân số “rỗi hơi”, soi vào việc nhà khác. Việc chưa có biện pháp xử lý vi phạm chính sách dân số đã gây khó khăn cho việc vận động giảm sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh”, chị Liên chia sẻ.
Cán bộ dân số truyền thông về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Nói về những hạn chế trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của địa phương, ông Trần Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ba Vì cho biết, tư tưởng muốn có con trai nối dõi tông đường ở Ba Vì còn nặng nề; nhận thức của một bộ phận nhân dân về công tác này còn hạn chế muốn sinh nhiều con. Trong khi khoa học công nghệ phát triển, công tác quản lý đối với các cơ sở siêu âm, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh vẫn còn bất cập. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ người sinh con thứ ba và tỷ số giới tính khi sinh còn cao.
Đến nay, công tác dân số chủ yếu tuyên truyền, vận động, không có chế tài xử phạt đối với người vi phạm, do đó việc vận động giảm sinh con thứ ba còn gặp khó khăn. Một số cán bộ chuyên trách dân số còn trẻ, kinh nghiệm quản lý, điều hành công tác dân số còn hạn chế. Việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chỉ tiêu dân số còn chậm. Một bộ phận CTV dân số kỹ năng tư vấn, vận động còn hạn chế. Phương pháp, cách thức tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thôn, cụm dân cư và cách tiếp cận đối tượng đích cũng chưa đạt hiệu quả cao.
Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thị xã Sơn Tây Đỗ Việt Hùng cho biết, nguyên nhân sâu xa của tình trạng “khát con trai” ở vùng ngoại thành là do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động và chế độ an sinh hiện nay chưa đảm bảo. Khoảng 70% dân số sống nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng, chăm sóc. Mặt khác chính sách đối với nữ giới hiện chưa thỏa đáng, bình đẳng giới có mặt chưa được quan tâm đầy đủ...
Duy trì đầu tư cho hệ thống dân số địa phương
Theo Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thị xã Sơn Tây Đỗ Việt Hùng, để từng bước khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án “Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” giai đoạn 2011 - 2015; ngoài sự nỗ lực của ngành dân số, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng.
Nhấn mạnh về tính cấp bách giảm chênh lệch giới tính khi sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đối với các trường hợp sinh con thứ ba trước đây có biện pháp xử lý hành chính nhưng nay, chỉ đảng viên không được phép vi phạm còn người dân chủ yếu là tuyên truyền, vận động họ tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Giảm chênh lệch giới tính khi sinh là nhiệm vụ lâu dài không thể một sớm, một chiều mà làm được, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Để làm tốt điều này cần đưa nội dung kế hoạch hóa gia đình vào hương ước, tiêu chí xây dựng làng văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa của địa phương, của dòng họ. Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư nguồn lực cho hệ thống dân số địa phương cũng như kinh phí duy trì hoạt động dân số - kế hoạch hóa gia đình; đảm bảo nhân lực và chế độ chính sách cho tuyên truyền dân số. Ngoài ra thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án mất cân bằng giới tính khi sinh để có biện pháp cụ thể, các biện pháp hỗ trợ lẫn nhau nhằm hạ thấp tỷ suất chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn.