Quốc lộ 12 (qua Điện Biên) có nguy cơ bị chia cắt tại km119 do đất đá từ ta-luy dương vẫn còn chảy xuống mặt đường sau trận mưa lớn từ 1-3/8. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN |
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình hình bão lũ đã gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống đường bộ; trong đó, bão lũ đã làm sạt lở ta luy dương 853.028m3, đất tràn mặt đường lấp tắc rãnh dọc, hố thu, lòng cống 112.864m3, sạt lở ta luy âm 4.989m, hư hỏng mặt đường 122.317m2 và mặt đường bị ngập nước là 82 điểm. Kinh phí khắc phục bảo đảm giao thông bước đầu tính đến 31/7/2017 khoảng 243,8 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm, để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do bão lũ gây ra, Tổng cục đã ban hành nhiều công điện gửi các cơ quan, đơn vị phòng chống, khắc phục lụt, bão khi có bão và áp thấp.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải và các Cục Quản lý đường bộ chủ động triển khai phương án đảm bảo giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, kho tàng, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do lụt, bão số gây ra.
Sụt taluy âm làm đứt hẳn 20m đường tại Km16+900 trên tuyến tỉnh lộ Km45 – Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) sau đợt mưa lớn đầu tháng 8/2017. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Đồng thời, thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc giao thông, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với Cảnh sát giao thông khi phân luồng…
Về công tác cứu nạn đường bộ, khi sự cố cầu đường có tai nạn xảy ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp và chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác đảm bảo giao thông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.