Một điểm sạt lở tại tuyến tỉnh lộ 258 từ thị trấn Phủ Thông đi hồ Ba Bể. |
Tuy nhiên, do khối lượng sạt lở lớn, đường đồi núi đi lại khó khăn, kinh phí hàng năm được phân bổ ít đang gây không ít khó khăn trong việc quản lý cũng như khắc phục sạt lở trên các tuyến đường giao thông ở Bắc Kạn.
Thời gian qua, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn Bắc Kạn như: Quốc lộ 3, 3B; Tỉnh lộ 258, 279, 258B… Nhưng hiện nay, việc khắc phục sạt lở rất chậm, các điểm sạt lở lớn được khắc phục tạm thời để thông xe bước 1, còn một số điểm sạt lở vẫn còn nguyên vẹn đất, đá, cây cối.
Một số tuyến đường xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, hàng nghìn mét khối đất đá tràn xuống che kín mặt đường gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.
Ông Hoàng Văn Trung, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông cho biết: “Tuyến đường 258 từ thị trấn Phủ Thông đi hồ Ba Bể thường xuyên xảy ra sạt lở mỗi khi mưa lớn. Có đoạn xảy ra 2-3 điểm sạt lở gần nhau với cây cối, đất đá tràn ra che gần hết đường, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân nhất là vào ban đêm.
Các đơn vị chức năng cũng không có biển cảnh báo cho người và phương tiện qua đây. Đã có trường hợp người đi đường buổi tối đâm vào đống đất sạt lở và bị ngã. Việc khắc phục sạt lở rất chậm, chỉ những điểm nào sạt lở lớn che hết đường không đi được thì họ mới gạt đất chở đi để thông đường, còn các điểm khác có khi để hàng tháng trời”.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn Đặng Quang Hùng cho biết, các tuyến đường ở Bắc Kạn thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa, khối lượng sạt lở lớn cộng với thời tiết mưa nhiều, nền đất yếu nên xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới, phần taluy âm cũng bị sạt lở nặng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công.
Trên toàn bộ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ có gần 400 điểm sạt lở, nhiều nhất là Tỉnh lộ 258 với gần 100 điểm, khối lượng đất đá phải thu dọn lên đến hàng chục nghìn m3. Các đơn vị thi công đang khắc phục phần nào các điểm sạt lở. Sở sẽ đôn đốc các đơn vị huy động máy móc, nhân lực để sớm khắc phục và đưa vào thông xe toàn tuyến sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, do kinh phí phân bổ hàng năm khắc phục sạt lở ít nên gây khó khăn cho công tác khắc phục. Mỗi năm chi phí cho việc khắc phục sạt lở tốn hàng chục tỷ đồng, nhiều đơn vị thi công xong vẫn chưa được thanh toán tiền.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Hồng Hà, đơn vị thường xuyên sửa chữa, bảo trì các tuyến đường, việc khắc phục sạt lở khá khó khăn do địa chất yếu, lượng đất đá sạt lở lớn nên phải đo đạc, thiết kế chỗ đổ đất. Phần đất thừa phải huy động rất nhiều xe và máy xúc chở đi đổ chỗ khác. Vào mùa mưa bão, rất khó thi công nên công tác khắc phục bị kéo dài.
Tình trạng sạt lở đất từ taluy dương xuống mặt đường gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông đã xảy ra từ nhiều năm nay, ở Bắc Kạn; trong đó, có một số tuyến đường trọng điểm thường xuyên xảy ra sạt lở đất như Quốc lộ 3, Quốc lệ 3B và các Tỉnh lộ 258, 258B, 279.
Việc khắc phục sạt lở đất hiện nay, chủ yếu được thực hiện nhanh ở những điểm gây ách tắc giao thông hoàn toàn, còn những điểm sạt lở chưa gây ách tắc giao thông hoàn toàn rất chậm. Thiết nghĩ các ngành chức năng sớm khắc phục triệt để hiện tượng sạt lở và cắm biển báo đảm bảo an toàn giao thông.