Đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Trong 2 ngày 14 - 15/9, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tham vấn “Công đoàn tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)”. 

Chú thích ảnh
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, lãnh đạo tổ chức Công đoàn các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia đóng góp ý kiến để hoạt động Công đoàn ngày càng sát với thực tiễn, phù hợp với xu thế mới, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động trước khi dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong lần sửa đổi của Bộ luật Lao động này có 10 nội dung lớn liên quan đến tổ chức Công đoàn và người lao động. Trong đó, những nội dung sửa đổi tác động sâu rộng đến xã hội, làm thay đổi toàn bộ quy trình hoạt động của tổ chức Công đoàn trước đây.

Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp Hiến pháp; đảm bảo sự đồng bộ các Luật đã được ban hành; đồng thời giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn; qua đó góp phần hoàn thiện thể chế thị trường lao động, giúp thị trường lao động vận hành minh bạch, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Mai Đức Chính yêu cầu lãnh đạo tổ chức Công đoàn các tỉnh, thành phố cần lắng nghe các ý kiến đóng góp từ người lao động; tiếp tục quan tâm hỗ trợ Công đoàn cơ sở…

Để hoạt động của tổ chức Công đoàn đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung về thành lập tổ chức đại diện của người lao động; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động.

Chú thích ảnh
Bà Andrea Prince, đại diện ILO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, bà Andrea Prince, đại diện tổ chức ILO tại Việt Nam đánh giá cao những điểm mới của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), phù hợp với xu thế mới của thế giới, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thỏa đáng và tốt hơn.

Cùng với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, doanh nghiệp, quan hệ lao động đã và đang nở rộ trên toàn cầu. Việc làm cần thiết của tổ chức Công đoàn hiện nay là phải định hướng để đạt mục tiêu mà người lao động mong đợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của doanh nghiệp, bà Andrea Prince chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng khẳng định tính tất yếu của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải phù hợp với Hiến pháp, trong đó đảm bảo quyền thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường; phù hợp với các cam kết theo các công ước của ILO và những cam kết mà Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định tự do thế hệ mới.

Về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, cần đảm bảo mọi nhóm lao động có quyền và có cơ hội tham gia đối thoại, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích. Một trong những yêu cầu quan trọng là phải hướng đến sự tự chọn lựa mô hình thương lượng tập thể trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện phù hợp với đặc điểm của quan hệ lao động Việt Nam.

Thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để xác định và lựa chọn mô hình thương lượng tập thể; quy trình thương lượng tập thể thiện chí; thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia… 

Liên quan đến nội dung giải quyết tranh chấp lao động, các đại biểu  thảo luận xoay quanh những tranh chấp mới cần bổ sung; cơ chế giải quyết đối với từng loại tranh chấp. Về trọng tài lao động, các đại biểu đề nghị nêu rõ phạm vi áp dụng, thẩm quyền của trọng tài; tổ chức và hoạt động của hội đồng trọng tài...

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học

Ngày 21/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị Góp ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN