Luật Tố cáo (sửa đổi) thiết lập cơ chế cụ thể bảo vệ người tố cáo

Luật Tố cáo (sửa đổi) đã dành một chương (Chương VI) để quy định về bảo vệ người tố cáo, trong đó nêu rõ đối tượng bảo vệ, phạm vi bảo vệ, quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ… nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Luật gồm 9 Chương, 67 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tố cáo (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 96,10%, ngày 12/06/2018. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Làm rõ diện "người thân thích của người tố cáo"

Theo Thanh tra Chính phủ, Luật Tố cáo hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định này khó thực hiện, chưa tạo ra cơ chế pháp lý đầy đủ để bảo vệ người tố cáo một cách thực chất.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập này, Luật Tố cáo (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể, chi tiết nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo.

Cụ thể, Điều 47 Luật Tố cáo (sửa đổi) đã xác định đối tượng được bảo vệ theo hướng làm rõ phạm vi “người thân thích của người tố cáo”. Theo đó, người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo đều được bảo vệ (gọi chung là người được bảo vệ). Quy định này vừa kế thừa luật hiện hành, vừa bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo.

Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng quy định rõ, người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân (trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ). Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Một điểm mới nữa của Luật Tố cáo (sửa đổi) là đã chỉ rõ cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Cụ thể, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý của mình và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo. Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Cơ quan quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. Ủy ban nhân dân các cấp, công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc quy định rõ vai trò đầu mối, xuyên suốt của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong quá trình bảo vệ, vai trò chủ trì của mỗi cơ quan đối với từng biện pháp bảo vệ sẽ bảo đảm thuận lợi cho quá trình thực thi.

Chỉ được tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp

Nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh việc lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo, Luật Tố cáo (sửa đổi) giữ nguyên hai hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp (Điều 22).

Trước khi luật được Quốc hội thông qua, dự thảo luật thiết kế theo hướng mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên hình thức tố cáo để bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) chỉ rõ, quyền tố cáo là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định, nhưng trong mọi trường hợp người tố cáo đều phải chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình. Pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo, nhưng cần thiết phải có các biện pháp để hạn chế, ngăn chặn việc lợi dụng quyền tố cáo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ làm phát sinh nguồn lực, chi phí, thời gian gây khó khăn phức tạp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin tố cáo trước khi quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo.

Theo đại biểu Trần Hồng Hà, mặc dù Luật Tố cáo hiện hành mới chỉ quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhưng qua thực tế triển khai thi hành cho thấy có 60% tố cáo sai, trên 20% tố cáo có đúng, có sai và chỉ hơn 10% là tố cáo đúng. Nếu mở rộng thêm hình thức tố cáo, có thể sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, các cơ quan chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết tố cáo. Thực tế cho thấy rất khó kiểm soát người tố cáo qua máy fax dịch vụ bên ngoài xã hội, hộp thư điện tử tự tạo lập ảo rất dễ dàng. Hình thức tố cáo trực tiếp có thủ tục lập biên bản người tố cáo ký hoặc điểm chỉ xác nhận nhưng tố cáo qua điện thoại thì rất khó xác định tính chính xác, khó kiểm soát đối với những người sử dụng sim rác.

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay thì việc sử dụng mạng xã hội, email, bản fax để tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin những hành vi vi phạm pháp luật rất thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét và việc xác minh trách nhiệm của những người tố cáo sai sự thật. Trong quan hệ tố cáo và giải quyết tố cáo luôn cần có các chủ thể là người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo. Nếu tố cáo đã được thực hiện thông qua thư điện tử, bản fax, điện thoại thì trong nhiều trường hợp khó xác định được người tố cáo là ai, đồng thời cũng có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác.

Bên cạnh đó, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ. Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh kết luận đối với đơn tố cáo. Vì vậy, đại biểu Tín đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo mà giữ nguyên quy định của Luật Tố cáo hiện hành.

Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng nêu rõ: Đối với những thông tin có nội dung tố cáo không theo hình thức quy định tại Điều 22 nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
 

TTXVN/Báo Tin tức
Băn khoăn quy định bảo vệ người tố cáo tức thì
Băn khoăn quy định bảo vệ người tố cáo tức thì

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng không dễ bảo vệ người tố cáo một cách tức thì theo quy định của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN