Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, dự thảo Luật đã đưa ra các nội dung bảo vệ, cách thức bảo vệ và cơ quan bảo vệ người tố cáo, bước đầu có thể giải quyết được trong những trường hợp cụ thể. Ví dụ bảo vệ ở nơi làm việc, bảo vệ quyền công dân ở nơi cứ trú khi bị phân biệt đối xử và bảo vệ tính mạng, tài sản... Như vậy, luật đã cơ bản bao quát.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh. |
"Đó là quy định của luật, nhưng khi thực thi sẽ có khó khăn nhất định. Ví dụ một người đi tố cáo, sau đó bị tai nạn giao thông, ngã xe. Họ nói đó là âm mưu ám sát để bịt đầu mối. Với thông tin như thế mà tổ chức cả lực lượng công an đi cảnh vệ thì không thể làm được. Việc bảo vệ lại tùy thuộc vào đánh giá của cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ, nếu họ không muốn bảo vệ thì họ nói đó là do tự ngã", ông Sinh phân tích.
Do đó, tính khả thi của Luật vẫn phải hoàn thiện thêm. Tuy nhiên, Hiến pháp và pháp luật hiện nay đã đủ sức bảo vệ quyền của người tố cáo, không loại trừ trường hợp nào.
"Nếu đe dọa hay đánh người tố cáo thì pháp luật đã có quy định. Nhưng nếu nói bảo vệ tức thì và xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc tố cáo và sự việc với người tố cáo thì không dễ. Thực tế, theo cơ quan thanh tra, có trên 70% đơn thư là tố cáo sai. Nếu 70% đó yêu cầu bảo vệ thì quả là thách thức rất lớn với cơ quan nhà nước", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho hay.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này gồm 9 chương, 68 điều. Dự thảo Luật đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.