Sở đã đề nghị UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường tiến độ thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm rõ quy định các nhóm chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tính đến sáng 5/8, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ bước đầu cho người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh với kinh phí hơn 15,8 tỷ đồng; trong đó chi hỗ trợ cho người bán vé số lưu động gần 2,5 tỷ đồng với mức hỗ trợ 750.000 đồng/người/tháng.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện xong nhóm Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (nhóm 1) và mhóm Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch (nhóm 9). Với nhóm Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh (nhóm 10) có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên, các địa phương có hồ sơ đề nghị nhưng số lượng chưa nhiều so với thực tế hộ kinh doanh đang hoạt động. Nguyên nhân là do ngoài các hộ kinh doanh có đăng ký theo quy định, trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều hộ kinh doanh chủ yếu hoạt động theo hình thức môn đóng môn bài theo năm nên chưa đáp ứng đủ các điều kiện hỗ trợ theo quy định.
Tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ bước đầu cho 271 hộ kinh doanh có đủ kiệu tại các huyện Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Thới Bình, U Minh và thành phố Cà Mau; mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ gần 820 triệu đồng. Hiện các huyện, thành phố trong tỉnh đang tiếp tục xúc tiến rà soát, đề nghị hỗ trợ cho các trường hợp phát sinh.
Công tác hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại tỉnh được quan tâm thực hiện, đến nay chưa ghi nhận những phản ánh tiêu cực của người dân, người lao động, doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại địa phương.
Ông Từ Hoàng Ân cho biết thêm, thời điểm triển khai gói hỗ trợ đúng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Tại Cà Mau, các nhóm hỗ trợ như: Chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (nhóm 2), Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (nhóm 3), Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc (nhóm 5), Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (nhóm 6), Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em (nhóm 7) và Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh (nhóm 10) vẫn chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.
Từ thực tế trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản gửi đến các sở, ngành quản lý lĩnh vực, đơn vị liên quan đôn đốc thực hiện đồng bộ các chính sách; đồng thời yêu cầu báo cáo đánh giá thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng thêm nhóm đối tượng hộ kinh doanh theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đối với hộ có hoạt động kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế. Bộ có ý kiến chỉ đạo cho phép đối tượng trên được áp dụng theo Nghị quyết 68 nhưng hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh do UBND cấp xã, phường xác nhận và UBND huyện, thành phố tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau kiến nghị cho phép tạm thời chưa thực hiện quy trình thủ tục hành chính đối với gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 68 nêu trên nhưng đảm bảo kịp thời tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quy định.