Gia tăng bệnh nhân nặng
Tiếng còi cứu thương dồn dập, bệnh nhân cấp cứu liên tục nhập viện, tiếng máy thở hoạt động liên hồi, điều dưỡng viên chốc chốc lại phải “alô” cho nhân viên vệ sinh Công ty Hoàn Mỹ dọn dẹp, lau chùi các chất thải do rượu của bệnh nhân; trong lúc đó, các bác sĩ không ngừng ra các y lệnh để làm các xét nghiệm, cho thuốc, điều chuyển bệnh nhân đã được sơ cứu lên các chuyên khoa phù hợp… Đó chỉ là một vài nét chấm phá về không khí làm việc vất vả của các y, bác sĩ khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nơi thường tiếp nhận các ca cấp cứu nội khoa nặng từ khắp nơi chuyển về trong dịp Tết.
Các y, bác sĩ tại đây chia sẻ, lượng bệnh nhân nhập viện đông nên những ngày đầu năm mới, cán bộ, nhân viên y tế trong khoa luôn phải căng mình ra để làm việc. Đến 14 - 15 giờ vẫn chưa được ăn trưa đã là “chuyện thường ngày” của các cán bộ y tế A9 dịp đầu xuân Bính Thân.
Chăm sóc cho bệnh nhân nặng tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
“Do hậu quả của đợt rét đậm cuối năm kéo dài, nên dịp đầu năm mới, lượng bệnh nhân nặng tăng hơn khoảng 20% so với mọi năm. Đơn cử, năm ngoái, một ca trực chỉ tiếp nhận khoảng 100 - 120 bệnh nhân nhưng năm nay, tối thiểu là 120 bệnh nhân, thậm chí có hôm hơn 150 bệnh nhân nhập viện, chủ yếu do mắc bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiêu hóa. Đáng nói, năm nay, rất nhiều bệnh nhân nặng do xuất huyết tiêu hóa có tiền sử nghiện rượu. Rất may, bệnh viện đã chuẩn bị đủ nhân lực, thuốc men, cơ số máu truyền… để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh”, vừa chia sẻ, bác sĩ Ngô Đức Hùng vừa thăm khám lại cho bệnh nhân Lê Trọng C. (Hà Nội), đang hôn mê nên phải thở máy trên giường bệnh.
Người nhà bệnh nhân C. cho biết, bệnh nhân nghiện rượu đã nhiều năm. Tết đến, bệnh nhân lại càng có lý do để uống rượu. Đến khi nhập viện, thì bệnh nhân đã ở trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, mất rất nhiều máu. Và vì tổn thương gan quá nặng nên bệnh nhân dần dần rơi vào tình trạng hôn mê. Bác sĩ tiên lượng bệnh nhân sẽ không qua khỏi.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân C. chỉ là một trong nhiều bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nặng có tiền sử nghiện rượu phải nhập viện trong những ngày đầu năm. Trong khoảng 500 bệnh nhân nhập viện từ ngày 28 đến mùng 3 Tết, có tới 20% là bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa và 90% trong số đó có tiền sử nghiện rượu. Phần lớn những bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng mất máu rất nặng. Một số bệnh nhân sau khi được các y, bác sĩ hết lòng cứu chữa cũng đã qua khỏi cơn nguy kịch, được trở về với gia đình nhưng một số khác lại không có được may mắn đó.
“Bên cạnh việc phải hạn chế uống rượu, nhất là những người nghiện rượu; thời điểm này, khi mà sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất cao thì người dân càng cần phải chú ý bảo vệ sức khỏe. Ngoài trẻ nhỏ, người già thì những người có tiền sử huyết áp, tim mạch… cần phải chú ý theo dõi sức khỏe, uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự điều trị mà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Ám ảnh tai nạn giao thông
Nếu Bệnh viện Bạch Mai là nơi tiếp nhận, cứu chữa những bệnh nội khoa hàng đầu cả nước thì nhiều năm qua, Bệnh viện Việt Đức lại là cơ sở y tế đầu ngành về điều trị những bệnh ngoại khoa, trong đó có cấp cứu các ca tai nạn, nhất là tai nạn giao thông. Đó là lý do vì sao trong suốt kỳ nghỉ Tết Bính Thân, nhân lực trực tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Đức vẫn được bố trí như ngày thường, thậm chí còn được tăng cường hơn trước. Mỗi ngày, kíp cấp cứu luôn túc trực 13 - 15 bác sĩ phẫu thuật, 8 - 10 bác sĩ sau đại học, bác sĩ gây mê hồi sức…
Dù đã được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt là thế, lại có nhiều năm kinh nghiệm ứng phó với các tình huống cấp cứu nhập viện, nhưng nhiều y, bác sĩ tại khoa Cấp cứu chia sẻ: “Năm nay, vẫn “chóng cả mặt” vì từ ngày mùng 3 Tết đến nay, số ca cấp cứu nhập viện nói chung, số ca tai nạn giao thông nói riêng tăng đột biến”.
Nhiều bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông, cũng không ít người nhập viện trong tình trạng say xỉn nên bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy đa số ca bệnh chuyển đến Bệnh viện Việt - Đức đều trong tình trạng trầm trọng. Và dù nhiều năm “xông đất” bệnh viện nhưng những phóng viên vẫn không nguôi nỗi ám ảnh bởi những thân thể, những khuôn mặt bệnh nhân không còn nguyên vẹn sau tai nạn; sau nhiều lớp băng bó, những vệt máu vẫn nhuốm ra ga trải giường; những khuôn mặt lo lắng đến thất thần của thân nhân người bệnh, nhiều người mẹ, người vợ đau buồn đến mức run rẩy, nước mắt lưng tròng dõi theo tình hình sức khỏe của người thân trong phòng bệnh...
Theo Ths Pham Gia Anh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, trong 7 ngày nghỉ Tết, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám cấp cứu; trong đó, 60% là do tai nạn giao thông. Hậu quả, 2/3 bệnh nhân tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não; 1/3 bệnh nhân không đội mũ bảo hiểm. Đáng tiếc, ngoài 2 trường hợp tử vong tại viện có đến 23 trường hợp nặng xin về; trong số đó có tới 17 ca tai nạn giao thông.
Điều cần lưu ý là càng những ngày cuối của đợt nghỉ lễ thì lượng bệnh nhân càng có xu hướng tăng. Thực tế, ngày 30 Tết chỉ có khoảng 100 lượt khám cấp cứu, nhưng những ngày sau đó lượng bệnh nhân tăng dần, ngày mùng 3, mùng 4, mùng 5 là có số đông bệnh nhân nhất với trên 160 bệnh nhân/ngày; trong đó, cao điểm nhất là ngày mùng 3 Tết với 176 trường hợp.
Vậy nên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các đấng mày râu cần tránh uống nhiều rượu để khỏi phải “xông đất” bệnh viện trong “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Sau Tết, cũng là thời điểm mà các bà nội trợ cần thanh lý bớt thức ăn trong tủ lạnh, để bảo vệ bản thân và người thân không rơi vào tình trạng ngộ độc thực phẩm - một trong những bệnh thường gặp nhiều sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.