Ưu tiên các khoa “nóng”
Những ngày cuối năm, lãnh đạo Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, “thị sát” công tác chuẩn bị khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV), nhất là các BV đầu ngành, có đông bệnh nhân đến cấp cứu trong dịp Tết. Kết quả kiểm tra cho thấy, các BV đều đã có kế hoạch trực cấp cứu, điều trị, phục vụ người bệnh theo đúng chỉ đạo trước đó của Bộ Y tế.
Các BV đã chuẩn bị mọi phương tiện để đảm bảo cấp cứu bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết. Ảnh: Đan Phương |
Tại Hà Nội, TS. Dương Đức Hùng, Lãnh đạo phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai, cho biết: “Công tác trực Tết khám chữa bệnh tại BV đã được lên kế hoạch và phổ biến đến toàn thể cán bộ BV. BV sẽ thực hiện trực đầy đủ theo 4 cấp: Lãnh đạo, chuyên môn, hành chính hậu cần và bảo vệ, với số lượng trực trên 300 người/ngày. Nhân lực tại một số khoa có xu hướng tăng bệnh nhân được tăng cường như khoa cấp cứu, tim mạch, thần kinh...”.
Dịp Tết, bệnh nhân khám sẽ bớt đi nhưng bệnh nhân nặng sẽ nhiều hơn nên BV Bạch Mai vẫn mở hệ thống khám tại các khoa phòng để tránh quá tải tại khoa cấp cứu dịp Tết.
Tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương, công tác trực cấp cứu, điều trị, phục vụ người bệnh và đảm bảo an ninh trật tự trong BV dịp Tết cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Theo GS.TS. Trịnh Đình Hải, Giám đốc BV, mỗi khoa nội trú đã chuẩn bị từ 5 - 10 giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu chuyển đến; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, máu dự trữ; không được từ chối hoặc xử lý ca bệnh chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp...
Đảm bảo trực 24/24Tại TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo công tác cấp cứu trong các ngày nghỉ Tết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu toàn bộ các BV đóng trên địa bàn trực cấp cứu 24/24 giờ. Theo đó, BV Thống Nhất TP Hồ Chí Minh đã bố trí đội cấp cứu ngoại viện trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện cần thiết; đồng thời sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vận chuyển người bệnh cấp cứu khi được điều động.
Ngày 19/1/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị về việc thực hiện tốt công tác đảm bảo y tế trong dịp Tết Bính Thân 2016. Theo đó, yêu cầu các BV trực 24/24 giờ; lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết. Bộ trưởng cũng chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, giám sát dịch tễ từ tuyến xã và các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch... |
"BV đảm bảo đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn, ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết", ông Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết.
Trong khi đó, BV Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường thêm nhân sự cho khoa cấp cứu, đồng thời đảm bảo mọi trang thiết bị, dịch truyền, đơn vị máu và cũng sẵn sàng trực 24/24 giờ.
Là một trong những BV tuyến cuối, trong những ngày nghỉ Tết, hầu hết các ca cấp cứu nặng ở khắp các tỉnh phía Nam được đưa về BV Chợ Rẫy khiến nơi đây năm nào cũng ở trong tình trạng quá tải. Để đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, BV đã triển khai và lên kế hoạch cấp cứu từ khá sớm đến tất cả các khoa, phòng.
"Chưa năm nào BV để xảy ra tình trạng thiếu máu. Vào những ngày thường, BV dự trữ khoảng 4.000 đơn vị máu nhưng đến Tết, BV cũng cố gắng dự trữ trên 6.000 đơn vị máu để phục vụ bệnh nhân cấp cứu", PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Trong những ngày Tết, trẻ em thường mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp hay dễ bị các tai nạn sinh hoạt như té ngã, mắc hóc dị vật... Do đó vào những ngày Tết, BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh vẫn tổ chức trực 24/24 tại khoa cấp cứu, khoa khám bệnh và tất cả các khoa nội trú để tiếp nhận và điều trị người bệnh.
Không chỉ triển khai công tác chăm sóc y tế cho người dân tại các BV, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã sẵn sàng kế hoạch cho cấp cứu tại các điểm tập trung đông người như khu vui chơi giải trí, điểm bắn pháo hoa, hội chợ... Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã giao cho BV Cấp cứu Trưng Vương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị y tế khác bố trí xe cấp cứu tại các địa điểm tập trung đông người 24/24 giờ. Theo đó, tại các điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa, BV Cấp cứu Trưng Vương sẽ phối hợp với các BV quận, huyện có địa điểm tổ chức bắn pháo hoa ứng cứu cấp cứu kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, BV Cấp cứu Trưng Vương còn đảm bảo hệ thống cấp cứu 115 tới tận nhà người dân cũng như cấp cứu nội viện.