Đại biểu Đỗ Văn Sinh đặt câu hỏi, biết đâu doanh nghiệp mua giá đắt thì sao, doanh nghiệp mua như thế nhưng giá không hợp lý, tức là đầu vào có vấn đề.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, dịch vụ cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công nên sản phẩm đầu ra cuối cùng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý nếu rẻ nhất thì càng tốt và không được để thất thoát.
“Còn việc nhà đầu tư muốn đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là việc của doanh nghiệp. Thế nên, cần gì phải bàn là phải trả lãi bao nhiêu có đúng không?”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Nói về việc Nhà máy nước mặt sông Đuống đặt vấn đề tăng giá nước trong thời điểm vừa xảy ra vụ đổ dầu vào nước sông Đà đang còn nhiều nghi vấn chưa làm rõ, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng như thế là không hợp lý.
“Bởi vì người dân chỉ biết rằng một mét khối nước sạch đạt tiêu chuẩn thì hết bao tiền và giá đó không thể đứng trên một mặt bằng chung. Nếu tăng thì anh phải có lý giải thuyết phục. Còn nói tăng giá nước do có hơn 2.000 đồng trả lãi vay thì rất khó chấp nhận”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, quan trọng nhất là đấu thầu đấu giá cuối cùng sản phẩm đầu ra một cách công bằng nhất, minh bạch nhất. “Tôi là người dân và cũng đại diện cho người dân. Tôi vẫn mong muốn kết quả cuối cùng một cách minh bạch”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong mặt bằng chung hiện nay mà giá nước sạch hơn 10.000 đồng/m3 so là cao. “Hiện nay giá mặt bằng chung nước sạch tại Hà Nội chỉ khoảng 7.000 đồng, tự nhiên anh lại đưa ra mức giá đắt hơn 2.000 đồng thì phải lý giải tại sao, phải giải thích hợp lý chứ không phải lý giải theo kiểu nó phải như thế”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, tất cả các loại dịch vụ công, nếu cho tư nhân vào đầu tư thì phải đưa ra giá cả hợp lý nhất. Ví dụ, khi đấu thầu thu gom rác thải bao nhiêu mét, bao nhiêu tiền, ai làm tốt thì chọn, chứ không thể chỉ định phải nhập công nghệ này, công nghệ kia, phải vận chuyển...
“Câu chuyện hiện nay là chúng ta mong muốn tất cả các lĩnh vực đều phải minh bạch, phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì người dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa thì phải minh bạch”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cảnh báo, giá nước sạch không minh bạch sẽ dễ xảy ra những "nghi ngờ" như một số dự án BOT. Vừa qua đã xuất hiện một vài hiện tượng không minh bạch dẫn đến người dân không tin tưởng, phải giải thích sẽ rất mất thời gian.
“Tôi nghĩ nếu minh bạch ngay từ đầu thì người dân sẵn sàng chấp nhận”, đại biểu Đỗ Văn Sinh lưu ý.
Trước nhiều thông tin chưa rõ ràng đặt ra nghi vấn về sự cạnh tranh không lành mạnh trong câu chuyện tăng giá nước sông Đuống, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng phải thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, để làm rõ thông tin cũng như cách tính giá nước chứ không phải là chỉ bàn về khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, môi trường.
“Để cho minh bạch mọi việc việc, làm rõ có việc thiên vị hay cạnh tranh không lành mạnh hay không, tốt nhất là nên mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán cho tường minh và thậm chí thông tin cho người dân tạo sự đồng thuận”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng chuyện tăng giá nước như thế nào là việc của các doanh nghiệp phải tính toán lại, nhất là trước nhiều thông tin nghi ngờ có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, các cơ quan chính quyền, kể cả thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm làm rõ điều đó.