Đại biểu Quốc hội cảnh báo về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong trường học

Phát biểu thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018 sáng 13/11 tại Quốc hội, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng cần quan tâm đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong các trường học.

Theo thống kê trên toàn quốc, trong thời gian từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 7 năm 2018, cả nước xảy ra 15 vụ mất an toàn về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các nhà trường làm bị thương ba người và làm thiệt hại 650 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Đặng Thị Phương Thảo phát biểu ý kiến. Ảnh: Viết Tôn

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, tất cả các vụ việc mất an toàn tại các nhà trường nhìn chung là thấp, chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số vụ của cả nước, theo xu hướng giảm dần và không gây ra các hậu quả nghiêm trọng. “Tuy nhiên, tôi nhận thấy rất cần quan tâm tới công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trong các nhà trường để đảm bảo một cách đồng bộ và quy chuẩn hơn về công tác này đối với toàn xã hội cũng như trên toàn quốc”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói.

Cũng theo đại biểu tỉnh Nam Định, nguy cơ cháy nổ có thể tiềm ẩn ngay trong chính nhà trường. Bởi hiện nay cả nước có 33.262 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến cấp đại học. Song, đáng lo ngại là tại một số trường học, việc chấp hành các quy định PCCC chưa được nghiêm túc; trong khi nhà trường lại có nhiều những vật dụng, thiết bị dễ gây cháy như bàn ghế, hệ thống phòng chức năng, thiết bị thí nghiệm hay máy vi tính. Bên cạnh đó, tại các trường bán trú còn có hệ thống bếp ăn mà nếu không được vận hành đúng quy chuẩn thì dễ tăng nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.

Với những trường học đặt tại khu mật độ dân cư hoặc giao thông dày đặc thì khả năng cháy nổ cao, nếu đám cháy xuất phát từ các hộ dân hay cơ sở kinh doanh lân cận cũng dễ ảnh hưởng và lan rộng sang các khu vực trường học nếu không ngăn chặn được kịp thời. Bên cạnh đó, tại các thành phố, nhiều cơ sở giáo dục, nhóm lớp tư thục không nghiệm thu về thiết chế PCCC do sử dụng thay đổi công năng từ nhà dân thành lớp học.

Ngoài ra, cũng tại một số trường học, cơ sở vật chất thiếu thốn, hoặc đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác này. Cũng theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, một đặc điểm dễ nhận thấy của trường học là nơi có mật độ người đông. Chẳng hạn như một trường phổ thông với quy mô từ 20 - 30 lớp, tổng số giáo viên, nhân viên, học sinh của nhà trường trên dưới 1.000 người. Nếu có cháy nổ xảy ra, lượng người lớn như vậy thoát hiểm, cứu hộ và cứu nạn rất khó khăn và phức tạp.  

Ở các trường mầm non, với số trẻ vượt quá mức quy định mà đội ngũ giáo viên chủ yếu lại là nữ thì việc xử trí bước đầu khi xảy ra cháy nổ càng lúng túng hơn. Từ đặc điểm đó mà các vụ cháy nổ nếu không được khắc phục kịp thời thì số nạn nhân sẽ rất lớn. Đối với các trường mầm non, tiểu học thì hậu quả sẽ càng nặng nề và thương tâm hơn khi nạn nhân không may là trẻ em.

Từ những phân tích trên, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng cần xem xét toàn diện về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Không thể lơ là công tác này trong các nhà trường nhằm đảm bảo tốt khâu phòng ngừa, tránh để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.  

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo kiến nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền về PCCC, cứu hộ, cứu nạn tại các nhà trường, không coi đây là phong trào mà cần coi là một hoạt động có tính chất bắt buộc vì sự an toàn của học sinh và của cả nhà trường.  

Trong thời gian qua, nhiều nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền song chất lượng không cao. Các hoạt động thường tập trung cao điểm vào các tháng đầu năm học, hay Ngày PCCC toàn dân mùng 4/10. Trong khi đó, cháy nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thời điểm nào và luôn tiềm ẩn nguy cơ cao.  

Bên cạnh đó, một số nhà trường còn coi đây là hoạt động theo phong trào, trong khi một bộ phận giáo viên, nhân viên thiếu kiến thức, kỹ năng hướng dẫn không đúng quy cách. Do đó đã có trường hợp trẻ bị thương ngay trong chính những buổi diễn tập về an toàn. “Vì vậy, tôi đề nghị công tác tuyên truyền tập huấn về thời gian cần được làm thường xuyên, về nội dung cần được chú trọng để trang bị hiệu quả cho học sinh. Lực lượng tập huấn cần phải chuyên nghiệp hoặc phải là lực lượng nòng cốt thường trực của các nhà trường, đáp ứng được yêu cầu truyền tải về mục tiêu coi an toàn về con người là quan trọng nhất trong suốt quá trình thực hiện”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo kiến nghị.

Cần kịp thời chấn chỉnh, quán triệt nhận thức của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là với nhiệm vụ PCCC trong nhà trường. Đối với trường học, cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là các cơ sở mầm non, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời đề nghị UBND các cấp kịp thời ra quyết định đình chỉ hoạt động những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Cần đưa nội dung về PCCC và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình học tập cũng như các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, ngành học theo quy định của Luật PCCC bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.

“Về quy định này, tôi cơ bản nhất trí với khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên tôi cũng đề nghị bổ sung vào khoản 3 này trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, coi Bộ là cơ quan chủ trì và phối hợp cùng với Bộ Công an. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện giáo trình bài giảng về công tác PCCC, sớm đưa vào thực hiện song hành cùng với quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tại các nhà trường trong thời gian tới”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói.

Công tác PCCC nói chung, trong trường học nói riêng luôn cần được quan tâm thường xuyên, cần chủ động trong tuyên truyền và giáo dục nhưng quan trọng là cần áp dụng những biện pháp kiên quyết trong xử lý vi phạm. Có như vậy mới đảm bảo được phương châm phòng cháy hơn chữa cháy, không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc cho người dân cũng như cho toàn xã hội.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Lỗ hổng 'chết người' trong phòng cháy chữa cháy tại cao ốc
Lỗ hổng 'chết người' trong phòng cháy chữa cháy tại cao ốc

Hơn 2.660 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN