Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương, các sở, ban ngành đã sẻ chia kinh nghiệm, những cách làm hay, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và kết quả đạt được tại các địa phương, các sở, ban ngành trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kể từ những ngày cuối tháng 4/2021 đến nay.
Đại diện thị xã Điện Bàn chia sẻ, là địa phương tiếp giáp với thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An, có nhiều công ty, doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp với hơn 20.000 công nhân đến từ các địa phương trong và ngoài thị xã đến làm việc, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những ngày đầu năm 2022, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng trên địa bàn tỉnh nói chung và tại thị xã Điện Bàn nói riêng. Nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Điện Bàn đã xây dựng Kế hoạch triển khai việc quản lý cách ly và điều trị COVID-19 (F0) thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Theo đó, đã chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị liên quan, nhất là Trung tâm Y tế phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh xã, phường, các bệnh viện trên địa bàn thị xã, thực hiện mô hình quản lý, điều trị F0 tại nhà. Các trường hợp mắc COVID-19 sẽ được phân loại, cho phép điều trị tại nhà, đối với những trường hợp người mắc COVID-19 đã tiêm vaccine COVID-19, không có bệnh nền, có triệu chứng nhẹ và gia đình có đủ điều kiện cách ly.
Theo đại diện Bệnh viên Đa khoa khu vực Quảng Nam, để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết (phương tiện cấp cứu: Máy siêu âm, X Quang tại giường, máy đo đường máu mao mạch, điện tim,...), cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh; đặc biệt, phân tầng điều trị bệnh nhân...
Đại diện Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, để làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, cần nắm chắc tình hình, phân tích, chủ động tham mưu, đề xuất về tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế, văn hóa, xã hội; các giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đặc biệt là các phương án, giải pháp linh hoạt trong “chuyển trạng thái” và xử lý hiệu quả các tình huống, vụ việc phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tập trung tấn công trấn áp mạnh, quyết liệt với các loại tội phạm, nhất là trên lĩnh vực phòng, chống dịch, lợi dụng chính sách để vi phạm pháp luật; kiên quyết xử lý vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa chung, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự...
Nhìn chung, hầu hết các địa phương và các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Nam cho rằng, để làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đầu tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền các giải pháp, phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị nhân lực và vật lực đầy đủ để kịp thời triển khai các hoạt động dập dịch, kiểm soát, hạn chế dịch bệnh lan rộng…
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương và các ngành cần phải sáng tạo, triển khai tùy thuộc vào tình hình thực tế. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai đầy đủ, quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 cho các đối tượng và nâng cao công tác tuyên truyền về hiệu quả của tiêm vaccine trong phòng, chống dịch bệnh.
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tặng Bằng khen 113 tập thể và 267 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.