Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã có nhiều chuyển biến, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể chặn đà suy giảm trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Bài 1: Chưa đủ để chặn đà suy giảm
Với những nỗ lực, hành động cụ thể, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam đã đạt được một số mục tiêu nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng chung toàn cầu là đối mặt với những thách thức mới.
Những gam màu sáng
Trên bản đồ đa dạng sinh học ở Việt Nam, một điểm sáng mới nhất là tháng 9/2021, thêm 2 khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, nâng tổng số khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam lên 11, đưa Việt Nam lên đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia có 19 khu. Đây là ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa trên 106.600 ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Hệ sinh thái rừng có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.
Với hơn 413.500 ha, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có hệ sinh thái rừng kín, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật và động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Vừa kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, những khu vực này có tiềm năng to lớn để giải quyết thách thức toàn cầu là cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội, các mối đe dọa đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.
Tháng 6/2021, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam là một trong 6 người trên thế giới và là nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021- được ví như giải "Nobel Xanh", ghi nhận những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Nguyễn Văn Thái cũng như của Trung tâm trong gần 7 năm qua ở lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã.
Năm 2020, Liên minh Chiến dịch toàn cầu đã gửi thư cảm ơn Chính phủ, Quốc hội Việt Nam về những bước tiến mạnh mẽ, quyết liệt của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ người dân trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.
Trước đó, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đã thành lập mới 3 hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị với tổng diện tích trên 521.878 ha, 9 khu bảo tồn, nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 khu với tổng diện tích trên 2,5 triệu ha. Nhiều khu vực lãnh thổ của Việt Nam được trao tặng danh hiệu quốc tế như: 9 khu Dự trữ sinh quyển thế giới; 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới; 9 khu Ramsar (đất ngập nước); 10 Vườn di sản ASEAN.
Các loài nguy cấp như loài hươu sao tuyệt chủng ngoài tự nhiên đã được gây nuôi. Loài cá sấu nước ngọt đang có nguy cơ tuyệt chủng được phục hồi nhờ Chương trình tái thả lại tự nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Loài thông nước đang được nghiên cứu và đã có những kết quả thành công bước đầu trong việc nhân giống vô tính, mở ra những hy vọng cho việc bảo tồn và phát triển loài cây sắp bị tuyệt chủng này. Một số loài thủy sản nguy cấp hoặc có giá trị kinh tế được nghiên cứu gây nuôi để bảo tồn và thương phẩm như: cá anh vũ, cá hô, cá lăng, cá chiên, cá ngựa thân trắng.
Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hằng năm và tăng đáng kể. Năm 2020 thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010. Thêm nhiều nguồn gen mới được phát hiện trong giai đoạn này, trong đó đã đánh giá ban đầu 41.363 nguồn gen, đánh giá chi tiết 3.136 nguồn gen. Cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được thiết lập phù hợp với Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhờ bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên như 500 cá thể voọc chà vá chân xám tại Konplon, Kon Tum; hơn 200 cá thể voọc xám Đông Dương tại Khu bảo tồn Xuân Liên, Thanh Hóa; hơn 150 cá thể voọc mông trắng ở vùng núi đá vôi đầm Vân Long (Ninh Bình) và khoảng 40 cá thể ở vùng núi đá vôi Hà Nam. Sự gia tăng các đàn linh trưởng là dấu hiệu tích cực bởi đã có sự mở rộng diện tích của các nơi cư trú phù hợp của mỗi nhóm loài linh trưởng này.
Cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái được áp dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người bảo vệ và phát triển các dịch vụ của hệ sinh thái được công nhận là một trong mười thành tựu lớn nhất của ngành lâm nghiệp giai đoạn 2011-2015.
Đối mặt với khó khăn, thách thức mới
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Sinh thái học miền Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công tác bảo tồn bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Nhìn chung, xu hướng suy thoái đa dạng sinh học đã trở nên quan trọng hơn do nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác quá mức, tăng trưởng kinh tế và áp lực dân số, gây ra những tác động to lớn đến các dịch vụ chính mà các hệ sinh thái này cung cấp.
Đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nghiêm trọng và chiều hướng này có thể còn tiếp tục khi áp lực ngày càng gia tăng từ tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng GDP nước ta giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng, đe dọa môi trường sống của nhiều loài động, thực vật, đặc biệt nghiêm trọng đối với các thủy vực. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh cũng kéo theo tốc độ chuyển đổi đất và mở rộng các đô thị, đã phần nào làm giảm diện tích các sinh cảnh tự nhiên, làm giảm không gian sống của các loài động, thực vật hoang dã. Sự hình thành các hệ thống giao thông và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đã làm gia tăng khả năng cách ly giữa các khu bảo tồn.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng áp lực tới các hệ sinh thái và loài. Ước tính có ít nhất 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nếu nước biển dâng lên 100 cm, kéo theo các hệ sinh thái ven biển ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Theo nghiên cứu của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, Đại học Stockholm, với Việt Nam, vùng ven biển, tài nguyên nước ngọt và sau đấy là đa dạng sinh học, nhất là đa dạng sinh học nông và lâm nghiệp sẽ là vùng, lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đây chính là những thách thức lớn trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Sự tương tác hai chiều giữa biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học mà hậu quả trực tiếp là sự mất đất, sự suy thoái của các hệ sinh thái nông nghiệp, nông-lâm nghiệp.
Các chiến dịch nâng cao nhận thức là một phần quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Trong những năm gần đây, công tác tăng cường nhận thức cho người dân sinh sống xung quanh các khu vực rừng đặc dụng đã được quan tâm. Nhưng có thể thấy rằng trình độ và mức sống của người dân trong các khu vực này là một trở ngại lớn trong việc tiếp nhận kiến thức, bởi người dân còn thiên về lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhân thức liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng chưa được chú trọng ở khu vực đô thị, trong khi tiềm lực xã hội huy động cho công tác này tập trung chủ yếu ở đây.
Mặc dù hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến các loài quý hiếm và ưu tiên bảo tồn đã được hình thành, bao gồm cả danh sách loài và hình thức xử phạt. Tuy nhiên, hệ thống này lại thiếu các hướng dẫn thực thi, còn có sự chồng chéo về trách nhiệm giữa các chính sách và luật trong khi thiếu sự giải thích chi tiết, dẫn đến tình trạng xung đột giữa các văn bản gây khó khăn trong quá trình thực thi.
Bài cuối- Chiến lược mới với tầm nhìn dài hơn