Báo động lệch chuẩn văn hóa
"Tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng chính sách của YouTube về bạo lực" là thông báo của nhà mạng khi người dùng truy cập vào các tài khoản của "Khá Bảnh", "Dương Minh Tuyền". Hành động mạnh tay này của YouTube được đưa ra sau khi có yêu cầu chính thức của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc xử lý các kênh YouTube chứa nội dung xấu, độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của giới trẻ.
Những nhân vật “cộm cán” trên mạng xã hội như Ngô Bá Khá hay “thánh chửi” Dương Minh Tuyền là những đối tượng nghiện ngập, từng vào tù ra tội. Nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội, họ trở thành những nhân vật “hot”, thường xuyên tung lên mạng những clip văng tục, chửi thề, đốt xe, đánh đấm, thanh trừng lẫn nhau… đậm chất giang hồ và thu hút số lượt xem khổng lồ.
Trước khi bị xóa, kênh YouTube của "Khá Bảnh" có khoảng gần 2 triệu người theo dõi, với 410 video đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem. Tương tự, kênh YouTube của Dương Minh Tuyền có hơn 500.000 người theo dõi. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền mà họ kiếm được thông qua YouTube không hề nhỏ. Theo như Dương Minh Tuyền tiết lộ thì là gần 200 triệu đồng mỗi tháng.
Đáng buồn hơn khi những nhân vật "giang hồ mạng" ấy đã vượt ra khỏi thế giới ảo để bước vào cuộc sống thực, được các fan ngoài đời thực tung hô. Ngô Bá Khá, Dương Minh Tuyền được chào đón ngoài đời như những ngôi sao, những thần tượng trong sự hò reo, phấn khích, trong vòng vây của những “nam thanh, nữ tú” mỗi khi họ xuất hiện. Nhiều bạn trẻ còn chọn cách ăn mặc, cắt tóc giống "Khá Bảnh", nhảy múa theo “đàn anh”.
Em N.T.A, một học sinh tại Hà Nội thành thực chia sẻ, cứ mỗi lần mở YouTube là các clip của "Khá Bảnh" lại đập vào mắt, gây sự tò mò. Ban đầu em chỉ click chuột vào xem, nhưng càng xem càng bị thu hút. Nhất là khi đến lớp, các bạn cùng lớp đều nói chuyện về chủ đề này nên A. cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Khi một bộ phận giới trẻ được truyền cảm hứng bởi những suy nghĩ, những hành động tiêu cực, đồng cảm và chịu ảnh hưởng bởi những hành vi ấy thì đó quả là hiện tượng đáng báo động. Cũng như các cụ ta đã nói, “mưa dầm thấm lâu”, ai dám chắc những hành động bạo lực, thiếu văn hóa không từng ngày, từng giờ “thẩm thấu” vào trong tính cách của người trẻ.
Không thể “khoanh tay đứng nhìn”
Những năm trước đây, những hiện tượng mạng như “Bà Tưng”, “Lệ Rơi” chả có tài cán gì nhưng chỉ cần lên mạng hát lệch tông, khoe “hàng” cũng trở thành “người nổi tiếng” với hàng trăm nghìn người theo dõi.
Đã đến lúc cần có giải pháp mạnh mẽ và sự hành động đồng bộ của các cơ quan quản lý, các Bộ ngành, tổ chức đoàn, đội, hội, nhà trường, gia đình và cả xã hội để ngăn chặn sự lệch chuẩn văn hóa trong việc thần tượng của giới trẻ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Ban Bí thư TƯ Đoàn đã có Chỉ thị về việc định hướng thần tượng trong giới trẻ. Theo đó, không khuyến khích việc giới trẻ quan tâm theo dõi và làm theo các hành vi xấu trên mạng xã hội, đồng thời, tổ chức Đoàn các cấp cần giúp giới trẻ nâng cao nhận thức để biết được điều gì nên thần tượng, điều gì không.
Để định hướng giới trẻ, bên cạnh vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TƯ Đoàn cũng như Hội Sinh viên Việt Nam thời gian qua đã liên tục tổ chức các hoạt động, cuộc thi ý nghĩa để thu hút các bạn trẻ tham gia, thông qua đó thanh niên sẽ rèn luyện được đạo đức, định hướng được tư tưởng về việc thần tượng ai, thần tượng cái gì.
Trong đó nổi bật là phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”. “Hoạt động này nghe thì tưởng đơn giản nhưng qua đó góp phần hình thành nhân cách, rèn luyện đạo đức cho thanh niên, trở thành những công dân tốt. Nói lời hay là biết lễ phép, kính trọng người lớn, ông bà, cha mẹ, thầy cô; hòa nhã thân ái với bạn bè, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, không nói tục, chửi thề… Làm việc tốt là có trách nhiệm với bản thân, nhà trường, gia đình và cộng đồng”, đồng chí Nguyễn Minh Triết cho hay.
Để cạnh tranh với những trang mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt follow – theo dõi, Đoàn Thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi online, qua đó thu hút sự quan tâm tham gia của giới trẻ. Ban đầu sự quan tâm còn ít nhưng càng về sau sẽ tạo sự lan tỏa đến nhiều thanh niên hơn.
Còn theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), để hiểu được thế hệ trẻ, những người sinh sau năm 2000 cùng thời với mạng xã hội, có đủ kỹ năng để tiếp cận thế giới mạng, các phụ huynh không nên áp đặt sự hiểu biết của mình với con em, mà cần tìm cách hiểu được tâm tư để từ đó có sự theo sát, hướng dẫn, điều chỉnh cho con.