Ảnh hưởng xấu đến hình thành nhân cách giới trẻ
Những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về nhân vật Ngô Bá Khá (Khá “Bảnh”). Nam thanh niên này từng nổi tiếng và thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi bởi hình ảnh xăm trổ, vàng đeo đầy tay, kiểu tóc "bờm ngựa", và nhiều phát ngôn sốc, coi thường pháp luật, có những điệu nhảy không giống ai đăng tải trên mạng xã hội.
Điều mâu thuẫn ở chỗ là một nhân vật có tiền án, tiền sự, từng vào tù ra tội với các tội danh đánh bạc, sử dụng ma túy như Khá “bảnh” khi khoe những “chiến tích” bất hảo trên mạng xã hội không những không bị tẩy chay, lên án mà lại tạo được sức hút rất lớn của cộng đồng mạng và sự hùa theo cổ vũ của đám đông học sinh, sinh viên. Đỉnh điểm của sự lệch lạc thần tượng này là khi Khá “bảnh” xuất hiện ở thành phố Yên Bái, rất đông học sinh, trẻ em ra đường chụp ảnh, xin chữ ký... Đây cũng là điều khiến nhiều bậc cha mẹ thấy sốc và bừng tỉnh nhận ra giới trẻ, con em mình đang hâm mộ những thần tượng xấu.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Liên, cho biết, trong xã hội ngày nay, một khi cái xấu không những không bị lên án mà còn có môi trường để phát triển thông qua mạng xã hội sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức, tư duy, thậm chí hành động của giới trẻ. Đây chính là hồi chuông cảnh báo về sự lệch lạc thần tượng xấu trên mang xã hội ngày nay. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, gia đình, xã hội cần vào cuộc để ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn và sự hâm mộ thần tượng mù quáng trong giới trẻ hiện nay.
Để ngăn chặn cái xấu phát triển trong xã hội, những trang mạng Youtube chia sẻ hình ảnh của Khá “bảnh” cũng đã bị cơ quan chức năng "xóa sổ". Tuy nhiên điều đáng nói, trên mạng xã hội hiện nay, những nhân vật “giang hồ” như Khá “bảnh” còn rất nhiều và đang tiếp tục "lây lan" những hành động xấu tới cộng đồng.
Ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, khi giới trẻ bị ảnh hưởng bởi một thần tượng xấu trên mạng sẽ khiến nhiều giá trị cuộc sống của người đó bị đảo lộn, những điều tốt đẹp trở cũng nên lu mờ trước mắt họ. Khi đó hành vi xấu, thói giang hồ, côn đồ cũng được tung hô, đón nhận và có chỗ để phát triển trong tâm trí của các bạn trẻ. Điều này rất nguy hiểm trong việc hình thành, hoàn thiện nhân cách trong lứa tuổi thành thiếu niên, nhi đồng.
Phụ huynh cần đồng hành với con
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên nhân khiến giới trẻ bị lệch lạc trong hâm mộ thần tượng là xuất phát từ cuộc sống hiện đại, nhiều phụ huynh bận rộn với công việc, mưu sinh mà phó mặc con cái cho nhà trường, xã hội. Để con không quấy phá, ngoan ngoãn nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng mạnh tay sắm các trang thiết bị hiện đại và phó mặc con mình cho thế giới ảo. Cũng vì tiếp xúc với thế giới ảo không có định hướng mà các bạn trẻ ngày nay mới có nhiều thần tượng lệch lạc trên mạng như Khá “bảnh”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền…
Tuy nhiên, ông Triệu Thế Hùng lại cho rằng, hiện tượng Khá "bảnh" lại được giới trẻ tung hô như vừa qua một phần là do truyền thông mạng xã hội tung hô trước khiến các em lầm tưởng đó là thần tượng tốt và học làm theo. Điều này rất nguy hiểm bởi các em đa số đều đang trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lý, hình thành nhân cách… nếu không được định hướng tốt sẽ làm hại cả một thế hệ con trẻ hiện nay.
“Do đó, để ngăn chặn những thần tượng xấu, trước tiên truyền thông cần giáo dục lý tưởng sống lành mạnh, đạo đức, hướng các em về những tấm gương người tốt, việc tốt. Có lẽ do truyền thông đăng tin ồ ạt, mạng xã hội cũng rầm rộ khiến các em cảm thấy "ngộp", bão hòa thông tin, "choáng" và thiếu định hướng. Vì vậy, vấn đề giáo dục các em cần cả xã hội phải vào cuộc. Đối với truyền thông, cần có sự lan tỏa tốt, cần định hướng cho các em. Chúng tôi rất mong truyền thông giảm bớt tất cả những thông tin mang tính chất sự vụ, cổ súy cho cái không tốt”, ông Triệu Thế Hùng cho biết thêm.
Theo ông Triệu Thế Hùng, việc quản lý mạng xã hội cũng rất bức thiết trong thời đại hiện nay. Mạng xã hội đúng là thành tựu khoa học của xã hội nhưng chúng ta cần có những giải pháp tiết chế những mặt trái của nó.
Để định hướng đâu là cái tốt, cái xấu trong xã hội, chính cha mẹ cũng phải làm gương và luôn đồng hành, chia sẻ cùng các con trong học tập cũng như cuộc sống. Chị Ngô Lan Anh (ngụ ở quận 3) cho biết, để ngăn chặn các con tiếp xúc với những văn hóa phẩm độc hại trên mạng thì cha, mẹ phải đồng hành cùng các con. Nghĩa là luôn lắng nghe, chia sẻ với con mọi lúc mọi nơi, thậm chí phải hóa thân mình vào lứa tuổi của con, làm bạn với con để cảm nhận những gì chúng đang nghĩ. Một khi phụ huynh làm bạn được với con thì mới tìm được cách bảo vệ con trước những thông tin xấu và giúp con có nền tảng vững vàng hơn khi bước vào cuộc sống hiện đại.