Các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai biểu dương và đánh giá cao những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Chỉ thị số 2 - CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35- CT/TW của các tỉnh trong khu vực.
Để thực hiện tốt công tác cán bộ nữ theo tinh thần Chỉ thị số 35 - CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu trong thời gian tới cấp ủy đảng, UBND các cấp ở các địa phương trong khu vực cần tiếp tục thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tháo gỡ những rào cản trong công tác cán bộ nữ, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ. Cấp ủy đảng các cấp tập trung lãnh đạo quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chỉ thị là “tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban thường vụ”.
Bên cạnh đó cần kiện toàn, bổ sung cấp ủy kịp thời theo đúng quy định, theo hướng quan tâm tới số lượng cán bộ nữ hiện đã được bổ nhiệm và các vị trí có cơ cấu cấp ủy trước khi tổ chức Đại hội; chú trọng bố trí, sắp xếp, luôn chuyển cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Cần lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch, xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ nữ gắn với công tác quy hoạch cán bộ, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo quản lý. Đồng thời tăng cường kiểm tra cấp ủy cấp dưới, chỉ đạo đảm bảo thực hiện tốt công tác phụ nữ, trọng tâm là mục tiêu về công tác cán bộ nữ trong quá trình chuẩn bị và đại hội Đảng các cấp.
Thực hiện Chỉ thị số 21 - CT/TW của Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình đã nghiêm túc quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới thông qua việc tổ chức hội nghị quán triệt, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân thông qua hệ thống tuyền thông. Cấp ủy các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản, đào tạo cán bộ, công chức, phòng chống bạo lực gia đình, trẻ em.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp, cơ quan thông tin đại chúng lên tiếng, đấu tranh xử lý vi phạm pháp luật, chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em; tạo điều kiện hỗ trợ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn về kỹ thuật, tiếp cận các nguồn lực tài chính... UBND các tỉnh, thành trong khu vực đã cấp hơn 20 tỷ đồng để Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh thực hiện hai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2025” và Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ”. nhờ đó, hơn 28.000 hộ gia đình phụ nữ trong khu vực đã thoát nghèo.
Về công tác cán bộ nữ theo tinh thần Chỉ thị số 35 - CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, các tỉnh, thành trong khu vực đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả nhất định trong công tác cán bộ nữ trong nhiệm kỳ 2015 -2020. Trong nhiệm kỳ, hầu hết các tỉnh đã quan tâm kiện toàn, bổ sung tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, trong đó một số tỉnh có tỷ lệ nữ tăng khá cao so với nhiệm kỳ, đặc biệt là ở cấp tỉnh (Khánh Hòa tăng 6%; Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế tăng gần 5%...; có 3 tỉnh đã tăng và đạt trên mức 15% là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum). Nguồn nhân sự nữ đương nhiệm còn đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ tới ở cả cấp huyện và cấp tỉnh đều khá cao (cấp tỉnh: 68,1%; cấp huyện 75,5%); tỷ lệ nữ quy hoạch cấp ủy các cấp đều đạt trên 20%...
Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần quan tâm như: Tỷ lệ cấp ủy viên chưa đạt chỉ tiêu 15% ở tất cả cấp ủy các cấp. Cấp tỉnh có 8/14 tỉnh chưa đạt chỉ tiêu, trong đó có 4 tỉnh có tỷ lệ dưới 10%. Nhiều đơn vị không có nữ tham gia Ban thường vụ, không chỉ ở cấp xã mà cả cấp huyện, tỉnh. Tỷ lệ bình quân nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ở 14 tỉnh, thành đều thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Có 9/14 tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội dưới 20%.
Mặc dù tỷ lệ nữ cấp ủy viên người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên khá cao, song tỷ lệ cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số còn thấp: Đắk Nông có 2 nữ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh là nữ nhưng đều là người kinh... So với các khu vực khác trong cả nước thì khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân và nữ cấp ủy cấp huyện thấp nhất cả nước. Tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt ở cả 3 cấp còn thấp, chủ yếu đảm nhận vị trí cấp phó và trong khối Hội đồng nhân dân. Có một số tỉnh không có nữ giữ các chức danh Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện...
Dịp này, Ban Tổ chức Hội nghị đã tặng quà Tết, các công trình an sinh xã hội, hỗ trợ xây nhà ở cho các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại Đắk Lắk với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.