Các điểm bán thịt an toàn tại Đồng Nai hút khách

Từ khi chợ Sặt, chợ Biên Hòa, chợ Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa), có quầy bán thịt lợn, gà an toàn, người dân tập trung đến mua ngày một nhiều.

Đầu năm 2016, Đồng Nai bắt đầu đưa thịt (gà, lợn) đạt chuẩn an toàn bán ở chợ truyền thống. Từ một vài sạp ban đầu, qua 5 tháng, thịt sạch đã có mặt tại 6 chợ với hơn 170 điểm bán ở thành phố Biên Hòa. Trung bình mỗi ngày, các điểm bán nêu trên tiêu thụ hơn 10 tấn thịt lợn và trên 2 tấn thịt gà.

Từ khi chợ Sặt, chợ Biên Hòa, chợ Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa), có quầy bán thịt lợn, gà an toàn, người dân tập trung đến mua ngày một nhiều. Trong tháng 5/2015, mỗi ngày 29 điểm bán thịt an toàn tại chợ Sặt tiêu thụ khoảng 1.200kg thịt lợn và 600kg thịt gà. Các điểm bán thịt sạch nơi đây được trưng biển hiệu, có chứng nhận của cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo cho người dân sự tin tưởng, an tâm.

Tiểu thương bán thực phẩm an toàn sẽ được cấp chứng nhận. Ảnh: Báo Đồng Nai

Chị Nguyễn Mai Hằng (ngụ tại phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Mỗi ngày tôi đến chợ Sặt mua thực phẩm một lần. Trước đây, tôi mua thịt theo cảm tính, nhìn thấy thịt tươi, không bị thâm, không có mùi hôi thì mua. Tôi có kinh nghiệm trong lựa chọn thịt, song chỉ nhìn bằng mắt thường nên không thể biết thịt nào nhiễm chất cấm, tồn dư thuốc kháng sinh cao, nguy hiểm cho người sử dụng. Từ khi có điểm bán thịt sạch, tôi mua mà không phải đắn đo bởi thịt đã có cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận; giá bằng thịt thông thường. Điểm khác ở thịt lợn an toàn là thớ thịt chắc, khi chế biến không ra nhiều nước, ăn cảm thấy ngon hơn so với thịt lợn bán trôi nổi trên thị trường”.

Đến nay chợ Biên Hòa đã có 28 quầy bán thịt an toàn, mỗi ngày các quầy này bán khoảng 5 tấn thịt lợn sạch. Theo chị Lê Thị Hà (chủ một điểm bán thịt lợn ở chợ Biên Hòa), điều mà người dân quan tâm khi mua thịt lợn ngoài hình thức còn là chất lượng. Bản thân chị khi mua thịt về bán cũng lấy từ các mối quen nhưng không biết được nuôi với quy trình như thế nào. Đầu năm 2016, khi Ban quản lý chợ Biên Hòa triển khai chương trình bán thịt sạch, chị đã tham gia ngay. Từ khi bán thịt an toàn, số lượng thịt chị bán ra hàng ngày tăng khoảng 20% so với trước; khách hàng đánh giá chất lượng thịt tốt, khuyến khích chị duy trì việc bán thịt sạch.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện lượng thịt lợn, gà bày bán ở các chợ truyền thống vẫn chiếm phần lớn trong tổng lượng thịt được tiêu thụ mỗi ngày. Vì vậy, việc lựa chọn các chợ truyền thống để bán thịt an toàn nhận được sự ủng hộ của người dân; tạo thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp mua thịt sạch.
 
Ngoài ra, các điểm bán thịt này cũng có tác dụng tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả cộng đồng về an toàn vệ sinh sinh thực phẩm. Mô hình bán thực phẩm sạch tại chợ truyền thống đang phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, Đồng Nai hiện có khoảng 3 triệu dân, các điểm bán thịt sạch nêu trên mới chỉ tập trung ở thành phố Biên Hòa, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.

Để tăng sự hiện diện của thịt sạch tại chợ truyền thống, Ðồng Nai đang gấp rút triển khai xây dựng chợ đầu mối thực phẩm sạch, an toàn. Theo chủ trương, tỉnh Đồng Nai sẽ chọn chợ Tân Biên (thành phố Biên Hòa) làm chợ đầu mối cung cấp thực phẩm sạch (gồm cả khu bán thực phẩm tươi sống và các loại rau, củ, quả sạch.


Ông Nguyễn Trí Công đánh giá: Chợ đầu mối thực phẩm sạch là mấu chốt trong xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đây sẽ là trung tâm phân phối thực phẩm sạch đến các chợ truyền thống trên toàn tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, việc hàng hóa tập trung về một điểm (chợ đầu mối) trước khi phân phối sẽ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng. Bên cạnh đó, khi có chợ đầu mối thực phẩm sạch, người chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP sẽ có nơi tiêu thụ ổn định và đến được tận tay người tiêu dùng. Chợ đầu mối giúp tiểu thương ở chợ truyền thống tiếp cận nguồn cung cấp thịt sạch dễ dàng hơn.

Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, việc hình thành chuỗi cửa hàng bán thịt sạch ở các chợ truyền thống là kết quả của một quá trình mà Đồng Nai đã triển khai trong thời gian dài. Nhờ thực hiện dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, đến nay Đồng Nai đã hình thành được 3 vùng chăn nuôi GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) với trên 1.000 hộ tham gia; trong đó có trên 600 hộ đã được cấp chứng nhận VietGAHP; xây dựng và nâng cấp được 31 chợ tại các huyện, thị.

Hiện mỗi ngày, các trang trại, hộ chăn nuôi ở Đồng Nai có thể cung cấp cho thị trường từ 500 - 700 con lợn an toàn. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm, ủng hộ việc bán thực phẩm an toàn tại chợ truyền thống. Thời gian tới, mô hình này sẽ được tỉnh Đồng Nai nhân rộng. Để đảm bảo quầy bán thịt sạch hoạt động hiệu quả, lâu dài, được người tiêu dùng tin tưởng, cơ quan chức năng Đồng Nai sẽ phối hợp kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thịt lợn, gà; xử lý nghiêm hành vi gian dối, đưa thịt không đạt chuẩn vào các quầy bán thịt an toàn.

Công Phong (TTXVN)
Tiềm ẩn nguy cơ từ thịt nhập khẩu
Tiềm ẩn nguy cơ từ thịt nhập khẩu

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc khẩu thịt bò vào thị trường Việt Nam sẽ tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh nếu như không quản lý tốt chất lượng nguồn thịt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN