Cà Mau phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tỉnh Cà Mau đã sớm triển khai đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhờ ứng dụng những kiến thức đã học vào trong sản xuất, năng suất lao động của người dân được tăng cao.

Hiệu quả từ đào tạo nghề nông thôn

Nhờ làm tốt công tác khảo sát nhu cầu lao động và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, Ban chỉ đạo Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hướng dẫn cho các cơ sở dạy nghề đào tạo những nghề phù hợp với từng địa phương nhằm đảm bảo được khả năng giải quyết việc làm. Trong hơn 5 năm triển khai Đề án 1956, toàn tỉnh Cà Mau đã có gần 150.000 lao động được đào tạo nghề, 52.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, với tỷ lệ có việc làm sau khi học đạt 71%. Theo đó, những mô hình đào tạo như nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cá nước ngọt, đan thủ công, may, thêu… mang lại nhiều hiệu quả.

Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình hướng dẫn nông dân cách nuôi tôm quảng canh.


Ông Hữu Sung, ngụ ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) cho biết: “Tham gia lớp học về kỹ thuật nuôi trồng của trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình rất hữu ích. Thầy cô dạy rất tận tình, bên cạnh lý thuyết sẽ chọn một mô hình tại nhà của học viên để thí điểm nhằm tăng tính trực quan, thực tế cho học viên. Sau khi học xong còn được trung tâm hỗ trợ cho 13 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mặt, 10 triệu đồng sẽ hỗ trợ thông qua thức ăn, con giống… Nhờ tham gia lớp học nghề mà gia đình biết áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cùng với kết hợp nuôi cá bống tượng hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao”. Không chỉ ông Sung, gần 400 hộ là người dân tộc Khmer tại ấp Đường Đào cũng đã học tập và triển khai mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, đem lại mức thu nhập gần 150 triệu đồng/hộ/năm, từ đó góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2015 tỉnh Cà Mau phấn đấu đào tạo nghề cho 38.000 lao động, đồng thời phấn đấu bố trí việc làm cho 36.000 lao động đã được đào tạo từ những năm trước nhưng chưa có việc làm. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động, năm nay Cà Mau chọn 3 khâu đột phá. Thứ nhất là đột phá trong chương trình và nội dung đào tạo, nếu như trước đây đào tạo tràn lan cho đạt chỉ tiêu, thì năm nay ngành chủ động đào tạo tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương là ngư - nông - lâm nghiệp. Đột phá thứ hai là đội ngũ giảng viên, dự kiến Cà Mau sẽ dành nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng để thuê giảng viên giỏi phục vụ cho công tác đào tạo nghề. Khâu đột phá thứ ba là đổi mới cơ sở vật chất cho đào tạo giảng dạy, theo đó cũng sẽ đầu tư 5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đào tạo nghề.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Với mục tiêu xây dựng nhanh nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá trong thời gian tới của địa phương, tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ nay đến năm 2020 với mục tiêu là sẽ đào tạo trên 200.000 người. Theo kế hoạch này, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của 3 trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu đa dạng của xã hội; trong đó sẽ tập trung vào những ngành nghề trọng yếu như: điện tử, công nghệ thông tin, các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao như du lịch, thương mại… để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao sẽ được tỉnh Cà Mau tập trung phát triển với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, bên cạnh đó là sự tham gia tích cực, có hiệu quả của toàn xã hội. Từng bước hình thành đội ngũ nguồn nhân lực có tay nghề tương xứng với yêu cầu vị trí công việc, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Cà Mau sẽ có nguồn lao động đã qua đào tạo đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động”.

Theo đó, để đạt các mục tiêu trên, tỉnh tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; trong đó định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; rà soát, xác định thế mạnh theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện phân công nhiệm vụ đào tạo theo từng lĩnh vực, ưu tiên các nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực, các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.

Tỉnh cũng phát triển thêm các cơ sở dạy nghề như Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc; tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại và phù hợp cho mỗi trường, mỗi ngành nghề đào tạo. Và giải pháp căn cơ nhất vẫn là tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề đảm bảo bố trí hợp lý cho từng ngành học; xây dựng chương trình, giáo trình trên cơ sở đa dạng hóa các phương thức, phương pháp dạy học, đổi mới nội dung bảo đảm cho người học sau khi ra trường thực hành nghề có chất lượng, đạt hiệu quả.

Đan Phương - Thế Anh
Đào tạo - Trọng dụng - Đãi ngộ
Đào tạo - Trọng dụng - Đãi ngộ

Có thể nói hiện nay, nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa cân đối giữa các ngành nghề. Từ đó, nguồn nhân lực ở đây rơi vào tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN