Đào tạo - Trọng dụng - Đãi ngộ

Có thể nói hiện nay, nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa cân đối giữa các ngành nghề. Từ đó, nguồn nhân lực ở đây rơi vào tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa. Vì vậy để nâng cao chất lượng nguồn lao động ở khu vực này, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh mở rộng các cơ sở đào tạo thì cần phải có một chính sách đặc thù mở rộng đón tiếp nhân tài của vùng.

Phát triển đội ngũ nhân lực dựa trên mũi nhọn là nông nghiệp và thủy sản. Ảnh: Huỳnh Thế Anh




Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Thay đổi chính sách cử tuyển

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trong thời gian tới nên thực hiện chính sách cử tuyển hướng đến xét các đối tượng không đỗ đại học nhưng có số điểm cao. Đối với đào tạo lao động nông thôn thì cũng cần phải nâng thời gian đào tạo hơn nữa vì chỉ có 1 - 3 tháng thì người lao động không thể lành nghề được và hiệu quả sử dụng cũng không cao. Bên cạnh đó, để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về ĐBSCL làm việc, đòi hỏi vùng này phải được công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Trước đây, khi đào tạo xong, những lao động này thường lên các tỉnh ở Đông Nam Bộ để làm việc do chúng ta chưa có nhiều nhà máy, xí nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Anh, Học viện Chính Trị khu vực IV - TP Cần Thơ: Trọng dụng nhân tài

Nhiều trí thức được đào tạo bài bản thường chọn TP Hồ Chí Minh và các trung tâm để trụ lại khiến tình trạng chảy máu chất xám diễn ra khá phổ biến ở khu vực này. Những năm gần đây một số tỉnh có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về các tỉnh làm việc nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó chúng ta cần có những chính sách, biện pháp thiết thực, thỏa đáng hơn, hấp dẫn hơn nữa tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi, trọng thị, trọng dụng phát huy năng lực của người giỏi, người tài. Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL cần nhiều hơn nữa các giải pháp đồng bộ của trung ương và của các cấp các ngành địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TP Hồ Chí Minh: Thu hút nhân tài bằng các chính sách

Hạn chế của vùng ĐBSCL hiện nay là thiếu nhân lực có chuyên môn ở các trình độ, hiệu quả sử dụng lao động có trình độ không cao, nhiều trường hợp thu hút cán bộ khoa học về nhưng lại không có việc để sử dụng, sinh viên địa phương học xong phần đông không về vì không có việc làm phù hợp, một phần vì chính sách đãi ngộ… và đặc biệt, chưa có kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn dựa trên đặc điểm của từng địa phương. Với những hạn chế trên, chúng ta cần phải xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực dựa trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội vùng, với mũi nhọn là nông nghiệp và thủy hải sản. Phối hợp giữa các tỉnh trong vùng, khai thác thế mạnh của từng tỉnh, không nên mọi thứ tỉnh nào cũng phải có. Đồng thời, thu hút nhân tài bằng các chính sách, giữ chân nhân tài bằng tình cảm… Tạo điều kiện để mọi người phát huy năng lực trong công việc.

TS Đặng Phong Vũ, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang: Phát triển ngành nghề đào tạo

Năm 2014, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đang làm việc trong các ngành kinh tế ở An Giang chưa qua đào tạo chiếm 53% và chưa qua đào tạo nghề chiếm 66,5% so với số lao động trong xã hội. Để nâng cao chất lượng lao động đã qua đào tạo, cần phát triển nhanh mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề, tăng cường đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đạt chuẩn. Từng bước đổi mới nội dung phương pháp đào tạo dạy nghề; đồng thời tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập, nhất là cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tăng quy mô đào tạo ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề đặc biệt là tăng nhanh quy mô đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nâng cấp trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề đạt chuẩn quốc gia, tiến tới có năng lực đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bà Phạm Mỹ Duyên, Giảng viên trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để nâng cao chất lượng nguồn lao động cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên chúng ta phải đẩy mạnh công tác đầu tư cho giáo dục đào tạo các tỉnh vùng ĐBSCL, đảm bảo hệ thống trường lớp các cấp học đáp ứng được nhu cầu. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong đào tạo nghề nói riêng và đầu tư cho giáo dục nói chung. Qua đó, chú trọng đào tạo nghề phải gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản để phát huy thế mạnh của vùng, đặc biệt là đào tạo nghề gắn với ngành mũi nhọn của ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Trong đào tạo nghề, địa phương cần phải đảm bảo cân đối cung cầu theo nhóm ngành nghề. Bên cạnh đó, vùng cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, thông qua đó sẽ góp phần nâng cao trình độ, tay nghề của lao động trong vùng.

Ông Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ: Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật

Với nhu cầu phát kinh tế xã hội của vùng, phải hướng đến cơ khí hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, các nhà máy hóa chất, dược phẩm. Tuy nhiên, qua đánh giá điều tra, ĐBSCL rất thiếu cán bộ về kỹ thuật, do đó việc thành lập trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển ngành công nghiệp Cần Thơ nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tạo điều kiện cho con em ở ĐBSCL muốn học các ngành về kỹ thuật có thể đến học mà không cần đi xa. Vì vậy, nếu được đầu tư đủ mạnh cho trường thì này thì trường có thể trở thành ĐH Bách khoa Cần Thơ, cung cấp nguồn lực cho cả vùng.

Bà Hà Thị Thùy Dương, Học viện Chính trị khu vực IV: Quy hoạch lại mạng lưới đào tạo

Hạn chế yếu kém trong chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL có nhiều nguyên nhân như do sự kém phát triển trong vùng kinh tế làm hạn chế khả năng thu hút và sử dụng, phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống trường lớp còn thiếu phân bổ, chưa hợp lý, cơ sở vật chất nghèo nàn, phương tiện dạy vừa thiếu vừa không đồng bộ. Bên cạnh đó, lực lượng giảng viên cán bộ quản lý giáo dục của những cơ sở đào tạo này thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn... Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL cần phải quy hoạch mạng lưới trường, lớp, ngành nghề đào tạo gắn chặt với quy hoạch vùng ĐBSCL. Phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của vùng; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo theo đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo và thực hiện tốt công bằng xã hội trong giáo dục, đào tạo. Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực của vùng.

Đan Phương - Thế Anh
Cà Mau phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Cà Mau phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tỉnh Cà Mau đã sớm triển khai đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhờ ứng dụng những kiến thức đã học vào trong sản xuất, năng suất lao động của người dân được tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN