Bí đao 'khủng' - nông sản đặc hữu ở Bình Định

Làng Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) là nơi duy nhất cho tới nay trồng được loại nông sản đặc hữu là bí đao “khổng lồ”. Để có được sản phẩm độc đáo này, nông dân Chánh Trạch phải mất nửa năm, nhưng giá trị thì chỉ bằng các loại rau, màu hằng ngày.

Trồng bí đao “khổng lồ” - nghề truyền thống


Nếu lần đầu đặt chân tới Chánh Trạch, hẳn nhiều người sẽ giật mình trước những quả bí to hơn thân người lủng lẳng trên giàn được giằng, néo bằng dây rơm, lưới... Còn với những người đã một lần thưởng lãm bí đao “khổng lồ” thì hằng năm đến giữa tháng Tư (âm lịch) lại muốn về Chánh Trạch bởi vì không ở đâu trồng được loại bí đao nặng từ 35 - 70 kg/quả như làng Chánh Trạch cho dù lấy giống từ đây.

Ông Tám Giáo (Nguyễn Đình Giáo) là một trong số ít người chuyên trồng bí đao “khổng lồ” đều đặn mỗi năm cho biết vụ này được mùa hơn năm trước. Hơn nữa, nhờ có nhiều người biết đến lọa bí này nên giá bán hiện nay là 5.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với năm trước. Trên giàn bí khoảng 300 m2 của ông có hơn 50 quả. Mỗi năm ông đều thu hoạch trên 1,5 tấn bí từ mảnh đất nhỏ này. "Giá bán thì được chăng hay chớ, cái chính là mình được trồng loại cây truyền thống của ông bà mình để lại mà không ở đâu có được. Số bí trên giàn chỉ giữ lại số ít, phần nhiều khi bí ra quả non thì cắt bán như những loại bí đao thông thường dùng làm thực phẩm xanh, giá bí non vụ này là 8.000 đồng/kg" - ông Giáo cho biết.

Ông Đỗ Văn Thuấn cũng là người chưa bỏ nghề trồng bí đao “khổng lồ” năm nào. Ông bảo: “Nếu bỏ đi thì uổng lắm. Nghề của ông bà mình thì mình phải giữ, phải làm”. Vụ này ông Thuấn cũng được mùa hơn vụ trước, quả nhẹ nhất 35 kg, nặng nhất trên 60 kg.

Không ai còn nhớ giống bí đao vỏ xanh “khổng lồ” ở Chánh Trạch này được lấy từ đâu và từ khi nào. Ông Tám Giáo nói: “Ít nhất là 4 đời người rồi nên tôi gọi bí này là bí truyền thống, nghề này là nghề truyền thống. Của ông cha mình truyền cho mình thì mình phải làm. Trước đây, ông bà mình trồng những quả bí 70 - 80 kg là chuyện bình thường, giờ thì chỉ khoảng trên dưới 50 kg; rất ít quả nặng như xưa”.

Theo người dân trồng bí “khổng lồ”, loại nông sản đặc hữu này là nhờ vùng đất Chánh Trạch có thổ nhưỡng kỳ lạ. Tại vùng đất này, cả gạo nếp, gạo tẻ hay nhiều loại nông sản khác đều đặc biệt ngon hơn các vùng khác. Người đi đường giữa trưa nóng bức, khi vào làng thì được hưởng làn gió mát. Tại đây, ba bề núi bao bọc, hướng mặt ra biển; bên dưới có được mạch nước ngầm tốt. Chánh Trạch còn có loại “rượu vua” trứ danh ít loại rượu nào sánh kịp.

Người dân làng Chánh Trạch thu hoạch bí đao "khổng lồ". Ảnh: Ly Kha - TTXVN


Ước mơ nâng cao giá trị loại nông sản đặc hữu


Với giống bí kỳ lạ của mình, ở làng Chánh Trạch cũng không ít chuyện vui. Nhiều lần, khách thập phương nghe tiếng bí Chánh Trạch nên xuống xem, vào từng vườn, chọn ra quả già nhất mua giá cao rồi mang đi thẳng. Mục đích chính là dùng để làm giống, nhưng rồi không đâu có được những quả bí to hơn thân người như ở đây.

Dân làng Chánh Trạch nhà nào cũng có giống bí khổng lồ trong nhà, năm nào thích thì mang ra trồng. Có năm cao điểm, hàng trăm hộ dân cùng trồng, diện tích bí đao vỏ xanh “khổng lồ” ở đây lên tới 20 ha, sản lượng thì lên tới hàng trăm tấn. Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ Nguyễn Kim Trắc cho hay: “Năm nay, diện tích bí đao “khổng lồ” chỉ khoảng 0,5 ha. Nguyên nhân là do giá cả các năm trước quá thấp, có khi 2.000 - 3.000 đồng/kg; có doanh nghiệp nhận thu mua nhưng rồi bỏ nên người dân không trồng nhiều nữa”.

Ông Đỗ Văn Thuấn tiếc rẻ: “Loại bí “khổng lồ” này không ở đâu có được, nhưng giá thì quá rẻ. Nếu có được thương hiệu, được bao tiêu giá cao thì cả làng cùng trồng, giữ được gen quý, giữ được nghề của cha ông”. Trước đây loại bí này chủ yếu dùng làm mứt, nay được dùng để chiết suất trà bí đao.

Ông Nguyễn Kim Trắc cho biết: "Tuy là loại đặc sản có một không hai như vậy nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra liên kết mua bán với nông dân; cũng chưa có đơn vị nào nghiên cứu lưu giữ nguồn gen. Người dân hoàn toàn tự trồng, tự bán. Giá thấp cũng bán vì nếu có để mãi cũng chẳng làm được gì”. Tuy nhiên, người trồng bí “khổng lồ” ở Chánh Trạch đang có chút phấn khởi khi từ năm ngoái, nhiều người thu mua từ Phú Yên, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Long An...đã tìm về Chánh Trạch. Bí đao “khổng lồ” sau khi thu hoạch có thể để được cả năm không hư hỏng.

Chưa hết, một đặc sản từ cây bí đao rất được ưa chuộng là nước bí. Nước được lấy từ cây bí sau khi thu hoạch, có cây thu được một lít nước. Nước bí dùng để thanh nhiệt, giải độc; trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào và cũng có thể để từ năm này qua năm khác mà không bị hỏng.


Ly Kha
“Nhảy cùng bí đao, thành sao tỏa sáng”
“Nhảy cùng bí đao, thành sao tỏa sáng”

Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế (INTERFOOD) vừa công bố chương trình “Kỷ niệm 20 năm ra đời nhãn hàng WONDERFARM tại Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN