Bến Tre khẩn cấp xử lý các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển

Ngày 28/9, tại hội nghị bàn về các biện pháp khắc phục sạt lở bờ sông bờ biển tỉnh Bến Tre, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Tuyến đê bao dài hơn 50m ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách bị sạt lở xuống sông khiến nước tràn vào nhà dân. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cần nhanh chóng khắc phục 5 điểm sạt lở khẩn cấp; trong đó có 3 dự án vừa được trung ương hỗ trợ vốn 140 tỷ đồng bao gồm: Kè chống sạt lở cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Lách (kinh phí 40 tỷ đồng); kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (kinh phí 40 tỷ đồng); kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (kinh phí 60 tỷ đồng).

"Hai điểm còn lại đợi kinh phí Trung ương phê duyệt nhanh chóng làm ngay, vì đây là các điểm xung yếu, dẽ bị sạt lở khi đang vào mùa mưa, mùa lũ, và các đợt triều cường xảy ra vào thời điểm từ nay đến cuối năm 2018", ông Lập nhấn mạnh.

Các địa phương có điểm sạt lở cũng phải nhanh chóng tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ để thực hiện các biện pháp xử lý khắc phục; tổ chức tuần tra canh gác để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu, gia cố tạm thời không để xảy ra vở đê…

Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Lập yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường nghiên cứu các mô hình kè cứng, kè mềm phù hợp với các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển để có biện pháp giải quyết triệt để tại các điểm sạt lở.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, Thạnh Phú là địa phương thiệt hại nặng do sạt lở bờ sông, bờ biển với 20 điểm sạt lở chiều dài hơn 44 km; trong đó diện tích đất bị sạt lở 56 ha, diện tích rừng phòng hộ bị mất 37 ha.

Ông Mai Văn Hùng kiến nghị tỉnh và trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí để nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở, nhất là khu vực dọc bờ sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên mất rất nhiều diện tích đất sản xuất gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 138km; trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm, chiều dài hơn 118 km gây hư hại nhà cửa, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển 8 điểm, chiều dài hơn 19 km, sạt lở lấn sâu vào trong đất liền (trung bình hàng năm từ 10-15m), làm mất hơn 120 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Tập trung khắc phục sạt lở trên tuyến đường đi Suối Vàng Đà Lạt
Tập trung khắc phục sạt lở trên tuyến đường đi Suối Vàng Đà Lạt

Ngày 28/9, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã huy động phương tiện cơ giới đến sửa chữa tuyến đường Cam Ly (qua khu Măng Lin, phường 7, Đà Lạt) vừa bị sạt lở nghiêm trọng vào ngày 27/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN