Long An xin Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng để phòng, chống sạt lở

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Long An, cho biết, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh đang ở mức độ nguy hiểm và ngày càng nghiêm trọng.

Trước tình hình này, tỉnh Long An đề xuất Trung ương hỗ trợ hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và thành phố Tân An.

Chú thích ảnh
Do sạt lở nhiều năm, khu vực ven bờ sông Cần Giuộc thuộc địa phận thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc, Long An) đã bị lấn sâu gần 20m. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Theo thống kê đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An liên tục xảy ra sạt lở. Điển hình khu vực ấp 4, xã Long Hậu, nằm ven sông Cần Giuộc với khoảng 300 hộ dân sinh sống ven sông ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân, trong đó có đoạn 300m đã bị sạt lở nặng (6 căn nhà trôi xuống sông năm 2012; năm 2017, có 4 căn sạt xuống sông). Hiện nay trong khu vực này có trên 60 hộ có nguy cơ sạt lở tiếp.

Hay điểm sạt lở tại đường Bà Kiểu - Mương Chài, thuộc ấp Mương Chài, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, với dài khoảng 30m, ngang 8m, làm tắc nghẽn giao thông của người dân trong vùng.

Điểm sạt lở khu vực Kênh Nước Mặn, huyện Cần Đước, đang tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Hoặc đê sông huyện Bến Lức, thuộc xã Thanh Phú, làm sạt lở từ 15 - 40m do ảnh hưởng của dòng chảy và triều cường.

Ngoài ra, sạt lở còn ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân và gần 2.000 m có nguy cơ sụp tại các huyện Tân Trụ, Thạnh Hóa, thành phố Tân An. Nguyên nhân do các tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng do thiên tai sạt lở đất, tỉnh Long An tập trung, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân.

Theo đó, tổ chức kiểm tra, thuê đơn vị tư vấn khảo sát tình hình địa chất để đánh giá kỹ nguyên nhân, sự cố xảy ra sạt lở từ đó đề xuất giải pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa sạt lở tiếp diễn đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở, sụp lún, tăng cường lượng lực kiểm tra để sớm phát hiện các khu vực xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở đất và có kế hoạch gia cố, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng Long An vận động, hướng dẫn người dân và phương tiện không đi vào những khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Khẩn trương di dời các hộ dân sống ở những khu vực sạt lở đến khu vực an toàn, khu tái định cư đã được chính quyền địa phương bố trí.

Ngoài ra, tỉnh Long An tăng cường thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi về tình hình thời tiết, triều cường, sạt lở đất, các khu vực xung yếu dễ xảy ra sạt lở đất trên các phương tiện truyền thông, đài phát thanh. Qua đây, giúp người dân được biết thông tin tình hình sạt lở và nhận thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, nâng cao năng lực ứng phó sạt lở đất.

Thanh Bình (TTXVN)
Lũ dâng cao, đe dọa sạt lở các tuyến đê bao ven sông Hậu
Lũ dâng cao, đe dọa sạt lở các tuyến đê bao ven sông Hậu

Trong những ngày qua, lũ trên thượng nguồn đổ về nhanh kết hợp với triều cường đầu tháng Tám (âm lịch) và mưa tại chỗ làm ngập nhiều tuyến đường nội ô của thành phố Cần Thơ; đe dọa sạt lở nhiều tuyến đê bao ven sông Hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN