Trong đó, huyện Cai Lậy thực hiện mô hình gây nuôi lục bình ngăn chặn xói lở bờ sông rạch tại 68 điểm với tổng chiều dài 3.500 m và kinh phí 630 triệu đồng; thị xã Cai Lậy thực hiện một mô hình gây nuôi lục bình bảo vệ bờ sông Ba Rày trên đoạn dài 500 m, kinh phí 92 triệu đồng; huyện Châu Thành thực hiện mô hình gây nuôi lục bình và trồng cây chắn sóng tại 81 điểm với chiều dài 5.515 m và kinh phí 383 triệu đồng.
Riêng huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười do đặc thù địa phương nên không gây nuôi lục bình mà triển khai trồng 60.640 cây chống sạt lở bờ kênh mương và đê bao với chiều dài trên 15.000 m và kinh phí 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, mô hình gây nuôi lục bình và trồng cây chắn sóng, chắn gió, phòng chống sạt lở bờ sông và kênh rạch trên các huyện, thị vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) được xem là giải pháp phi công trình nhằm ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ sạt lở hữu hiệu, đã được áp dụng và phát huy tác dụng trong thực tiễn thời gian qua.
Trong đó, trong năm 2017, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư gần 600 triệu đồng thực hiện gây nuôi lục bình ở 21 điểm với tổng chiều dài 3.385 m và trồng 21.560 cây tràm chống sạt lở trên chiều dài bờ kênh mương và đê bao 5.390 m, tập trung tại các huyện trọng điểm là: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Tân Phước.
Thời gian qua, do đặc thù có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, lại chịu ảnh hưởng lũ lụt và triều cường sông Cửu Long, tình hình sạt lở bờ sông và kênh rạch tại Tiền Giang diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống và việc xử lý, khắc phục hết sức tốn kém. Theo thống kê, trong giai đoạn 2010 - 2017, toàn tỉnh đã phải đầu tư 154 tỷ đồng xử lý 545 điểm sạt lở với tổng chiều dài 26.135 m.