Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nhà máy thủy điện Nậm Mô, khu vực xảy ra sạt lở gần nhất ở cách chân đập thủy điện khoảng 50 m về phía hạ du. Đường nội bộ của Nhà máy thủy điện bị sập hoàn toàn, đất đá từ trên bờ đổ xuống sông, nhiều hàm ếch lớn "ăn" sâu vào bờ, xuất hiện một đoạn sạt lở dài.
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở được xác định là do hai cơn bão số 3 và số 4 vừa qua cùng với lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về, Nhà máy thủy điện Nậm Mô phải xả lũ.
Nhà máy Thủy điện Nậm Mô được khởi công vào tháng 4/2010 và hoàn thành năm 2013, có công suất 18 MW với 2 tổ máy.
Anh Nguyễn Văn Trung, Tổ trưởng tổ vận hành Nhà máy thủy điện Nậm Mô cho biết: “Khu vực sạt lở là đường nội bộ của nhà máy, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn của Nhà máy thủy điện. Khi xảy ra sạt lở, nhà máy đã thông báo với chính quyền địa phương, cảnh báo người dân và làm rào chắn, biển cảnh báo tình trạng nguy hiểm”.
Tuy nhiên, đường nội bộ của nhà máy đã bị sập hoàn toàn nằm cách chân đập thủy điện khoảng 50 m. Khi lũ to, dòng nước xoáy sâu vào bờ sẽ càng làm sạt lở xảy ra. Đang là thời điểm mùa mưa bão do đó nếu tình trạng lũ lụt, sạt lở tiếp tục xảy ra có thể gây nguy hiểm đến khu vực chung quanh Nhà máy thủy điện. Phía bờ bên phải của Nhà máy thủy điện Nậm Mô đã bị sạt lở những đoạn dài, có đoạn "ăn" sâu gần vào nhà dân. Con đường vào nhà máy thủy điện bị sạt lở nghiêm trọng khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Hiện Nhà máy thủy điện Nậm Mô đã có biện pháp khắc phục tạm thời là xây dựng một đường mới hoặc tổ chức đi đường vòng vào Nhà máy thủy điện; chờ thời điểm sau mùa lũ sẽ tiến hành khắc phục hệ thống giao thông xuống nhà máy.
Ông Vừ Vả Chá, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết, xung quanh khu vực Nhà máy thủy điện Nậm Mô có 120 hộ dân của bản Cánh, xã Tà Cạ sinh sống. Tình trạng sạt lở tại đây diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn sạt lở để người dân yên tâm.