Theo đài Sputnik (Nga), ông Putin tuyên bố phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard có khả năng hạt nhân của Nga đã khiến các khoản đầu tư khổng lồ của Mỹ vào chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa trở nên vô nghĩa.
“Nếu tính toán chi phí của hệ thống phòng thủ tên lửa nổi tiếng của Mỹ, một trong những vũ khí chính vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa này mà chúng ta có là Avangard. Vì vậy, không thể so sánh ngân sách. Về cơ bản, chúng ta đã vô hiệu hóa mọi thứ họ đã làm, mọi thứ họ đã đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa này”, ông Putin cho hay.
Ông nói rằng kinh nghiệm phát triển Avangard chứng tỏ con đường Nga nên tiếp tục theo đuổi là gắn bó với lĩnh vực vũ khí chiến lược.
Lần đầu tiên được ông Putin tiết lộ năm 2018 và được đưa vào sử dụng hồi cuối năm 2019, Avangard là phương tiện lượn siêu vượt âm có khả năng hạt nhân, cơ động cao, tốc độ nhanh, có thể xuyên thủng tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Được đẩy lên quỹ đạo bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng R-36 và RS-28 Sarmat, Avangard có thể tăng tốc lên tới Mach 27 (32.200 km) trong điều kiện gần không gian, giảm xuống ước tính Mach 15 - 20 (18.500-23.000 km) bởi lực cản của khí quyển trong quá trình bay xuống.
Phương tiện lượn siêu vượt âm này có tầm hoạt động độc lập khoảng hơn 6.000 km và sức nổ từ 0,8 đến 2 megaton. Ở chế độ thông thường, Avangard sử dụng động năng cực lớn, với tốc độ cao để tiêu diệt một loạt mục tiêu chiến lược.
Cùng với khả năng cơ động và tốc độ, tính năng lượn đặc biệt và khả năng chịu được nhiệt độ lên tới 2.000 độ C của loại vũ khí này cũng là một yếu tố khác khiến việc phòng thủ trước Avangard về cơ bản là không thể thực hiện.
Nhà sử học quân sự, nhà bình luận quốc phòng và chuyên gia tên lửa và phòng không Yury Knutov nhận định: “Avangard thực tế được bao phủ bởi plasma khi bay và plasma hấp thụ các tia điện từ. Do đó, lớp plasma này làm cho phương tiện siêu vượt âm này trở nên vô hình trước radar. Nhờ động năng cao, Avangard cũng có thể tiêu diệt mục tiêu mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây là một công cụ độc đáo và cho đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới tạo ra loại vũ khí sánh bằng”.
Được gắn vào tên lửa có tầm bay từ 15.200 đến 18.000 km, Avangard cũng có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất. Tên lửa Sarmat có thể mang theo tới 20 phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard. Avangard là một trong 6 vũ khí cấp chiến lược mới trong kho vũ khí của Nga.
Viện thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyenia của Nga dẫn đầu quá trình phát triển Avangard. Vào năm 2020, Tổng thống Putin đã so sánh thành công của Mashinostroyenia trong việc tạo ra Avangard với việc Liên Xô chế tạo quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1949.
Dưới sự lãnh đạo Tổng Giám đốc Gerbert Efremov, NPO Mashinostroyenia đã tạo ra tiền thân của chương trình Avangard vào những năm 1980. Dự án tuyệt mật này có tên gọi “Dự án 4202” với tên mã là “Albatross”, được phát triển vào năm 1987. Vào đầu những năm 1990, dự án đã bị đình trệ do mối quan hệ của Nga với Washington đỡ căng thẳng hơn và sau đó là do những khó khăn tài chính.
Đầu năm 2000, Nga đã nối lại hoạt động này trong các dự án phòng thủ chống tên lửa, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và bắt đầu triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
“Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM năm 2002 buộc Nga phải bắt đầu phát triển vũ khí siêu vượt âm. Chúng ta phải tạo ra loại vũ khí này để đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược - hệ thống có thể vô hiệu hóa và khiến toàn bộ tiềm năng hạt nhân của chúng ta trở nên lỗi thời”, ông Putin nhấn mạnh.