Sau Mỹ, Anh tìm cách gửi hệ thống tên lửa đa nòng hạng nặng hơn cho Ukraine

Anh đang cân nhắc cung cấp cho Ukraine các bệ phóng tên lửa hạng nặng MLRS M270 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn cần sự chấp thuận của Mỹ.

Chú thích ảnh
MLRS khai hỏa trong một cuộc tập trận ở Salisbury Plain, Wiltshire, Anh. Ảnh: Getty Images

Theo đài RT (Nga), Anh đang tìm cách gửi hệ thống phóng tên lửa đa nòng MLRS M270 cho Ukraine. Đây là loại vũ khí “anh em” của hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) do Washington cung cấp trong gói viện trợ quân sự mới nhất cho Kiev. Do cả hai hệ thống pháo tên lửa này đều do Mỹ chế tạo, nên Anh sẽ cần được Mỹ chấp thuận để chuyển giao loại vũ khí này cho Kiev.

Ý định của London đã được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận vào hôm 1/6. Theo tuyên bố của Văn phòng Ngoại giao Anh, ông Wallace cho biết các bệ phóng MLRS M270 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 80 km và giúp tăng cường đáng kể năng lực cho các lực lượng Ukraine.

Cả hai hệ thống này đều phóng các loại tên lửa giống nhau và đều do Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin chế tạo. Tuy nhiên, HIMARS được đặt trên xe bánh lốp và mang ít đạn hơn MLRS M270. Theo báo cáo, Mỹ đã cân nhắc cung cấp cả hai loại vũ khí này cho Ukraine, nhưng cuối cùng chỉ chọn loại nhẹ hơn.

Theo tờ Politico, Chính phủ Anh đang đàm phán với Mỹ để được cho phép cung cấp cho Ukraine các bệ phóng hạng nặng hơn từ kho vũ khí của mình. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trao đổi với Tổng thống Joe Biden về vấn đề này vào sáng hôm 1/6. Ngoại trưởng Liz Truss và người đồng cấp Antony Blinken cũng sẽ thảo luận thêm về vấn đề này. Giới quan sát nhận định Mỹ sẽ “bật đèn xanh” cho đề xuất này.

Một nguồn tin khác cho rằng sau khi cung cấp phiên bản HIMARS nhẹ hơn cho Ukraine, Mỹ muốn khuyến khích các nước đang vận hành MLRS khác gửi chúng đến Ukraine. Hiện có 15 quốc gia đang sở hữu các phiên bản khác nhau của bệ phóng tên lửa hạng nặng do Mỹ sản xuất.

Sau khi công bố quyết định cung cấp vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine, Washington giải thích rằng động thái này sẽ không khiến nước này bị kéo vào một bên trong cuộc xung đột. Ngoại trưởng Blinken cho biết Kiev cũng đã cam kết sẽ không sử dụng loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Dĩ nhiên, Nga tuyên bố họ sẽ không tin vào cam kết này. 

Moskva cảnh báo sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để giảm thiểu các mối đe dọa từ vũ khí của Mỹ do Ukraine sở hữu. Điện Kremlin đã trích gay gắt quyết định của Washington và cho rằng động thái này rõ ràng đang làm leo thang xung đột, đưa nước này đứng trước nguy cơ xung đột trực diện với Nga. 

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí vì hành động đó sẽ chỉ kéo dài sự các hoạt động thù địch chứ không thay đổi được kết quả, do đó gây thêm thiệt hại cho Ukraine và người dân nước này. Moskva cũng tuyên bố các kho vũ khí từ phương Tây ở Ukraine là “mục tiêu hợp pháp” của các lực lượng Nga.

Sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, giao tranh vẫn diễn ra căng thẳng trong khi các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc. Trong tín hiệu tích cực mới đây, bà Valentina Matviyenko, Chủ tịch Thượng viện Nga, cho biết Moskva sẵn sàng đàm phán và ký các thỏa thuận hòa bình với với Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan rằng ông muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hải Vân/Báo Tin tức
Nga tố phương Tây gieo rắc nguy cơ xung đột ở châu Á-Thái Bình Dương theo kịch bản Ukraine
Nga tố phương Tây gieo rắc nguy cơ xung đột ở châu Á-Thái Bình Dương theo kịch bản Ukraine

Ngày 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tuyên bố các chính sách của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã dẫn tới điều ông miêu tả là “một sự suy thoái hoàn toàn của tình hình chính trị-quân sự ở châu Âu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN