Uy lực của hệ thống HIMARS mà Mỹ sắp gửi cho Ukraine

Động thái gửi hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao tới Ukraine của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ Điện Kremlin với cáo buộc Washington đang đổ thêm “dầu vào lửa” xung đột.

Chú thích ảnh
Ảnh: AFP

Theo đài Al Jazeera, hôm 1/6, Nhà Trắng đã xác nhận Mỹ sẽ gửi hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) tới Ukraine nhằm hỗ trợ nước này bảo vệ lãnh thổ trong cuộc xung đột với Nga. Washington tuyên bố các hệ thống này là một phần của gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Kiev, bao gồm máy bay trực thăng, hệ thống vũ khí chống tăng Javelin, phương tiện chiến thuật, phụ tùng thay thế và nhiều loại khí tài khác.

Các hệ thống tên lửa tầm trung từ lâu luôn đứng đầu danh sách những loại vũ khí mà Kiev đã đề nghị phương Tây hỗ trợ, khi Nga chuyển hướng chiến lược, tập trung dồn lực tấn công các khu vực phía đông của quốc gia này.

Trong thông cáo hôm 1/6, Tổng thống Biden tuyên bố: “Hôm nay, tôi tuyên bố dành gói hỗ trợ an ninh mới đầy ý nghĩa nhằm cung cấp các khoản viện trợ quan trọng và đúng thời điểm cho quân đội Ukraine. Gói hỗ trợ mới này sẽ trang bị cho lực lượng Ukraine các năng lực mới và vũ khí hiện đại, trong đó có hệ thống HIMARS để nước này bảo vệ lãnh thổ”. Ông cho rằng các vũ khí này sẽ giúp Ukraine “chiến đấu trên chiến trường và ở vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán”.

Gói viện trợ quân sự mới được công bố là gói viện trợ thứ 11 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Tổng cộng, Mỹ đã chi khoảng 4,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, bao gồm pháo phản lực vào tháng 4, loại pháo mạnh nhất trước HIMARS.

Uy lực của hệ thống HIMARS

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. Ảnh: Military News

HIMARS là bệ phóng tên lửa hạng nhẹ, công nghệ cao được đặt trên khung gầm bánh lốp, nhẹ hơn, nhanh hơn và cơ động hơn trên chiến trường. Mỗi hệ thống HIMARS có thể mang theo 6 tên lửa dẫn đường bằng GPS, có thể được nạp lại trong khoảng 1 phút chỉ với một kíp vận hành nhỏ.

Các nhà phân tích cho rằng hệ thống này tin cậy hơn đáng kể so với các hệ thống tên lửa khác mà lực lượng Ukraine đang sử dụng.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao do Washington cung cấp cho Ukraine có tầm bắn khoảng 80 km, xa hơn gần gấp đôi tầm bắn của các loại pháo M777 do Mỹ cung cấp và được đưa vào chiến trường Ukraine hồi tháng 5. Đặc điểm này giúp nó có thể triển khai ở vị trí ngoài tầm hoạt động của pháo Nga, mặt khác có thể đe dọa các tổ hợp của Nga. Ngoài ra, nó cũng đe dọa các kho hậu cần của Moskva.

Quân đội Mỹ đã triển khai một số hệ thống HIMARS ở châu Âu và các đồng minh NATO gồm Ba Lan và Romania cũng sở hữu các hệ thống này. Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống HIMARS tới Ukraine.

Song một số nhà phân tích nhận định HIMARS sẽ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” ở thời điểm lực lượng Ukraine dường như đang gặp khó khăn trước hỏa lực của pháo binh Nga. Song các ý kiến khác cho rằng hệ thống nay sẽ không thể đột ngột lật ngược tình thế trong cuộc chiến đã bước sang tháng thứ tư.

Tại sao HIMARS được coi là yếu tố giúp "thay đổi cuộc chơi" ở Ukraine?

Chú thích ảnh
Một bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad của Ukraine bắn về phía quân Nga ở khu vực Donbas. Ảnh: AFP

Giới chức Ukraine từ lâu đã kêu gọi Mỹ và phương Tây chuyển giao các hệ thống pháo tầm xa giúp nước này đẩy lùi bước tiến của Nga về phía đông, khu vực cánh đồng trải dài, được coi là khó bảo vệ hơn các khu vực đô thị đông đúc.

Hôm 28/5, khi các lực lượng Nga tiến vào thành phố chiến lược quan trọng Severodonetsk, Cố vấn Tổng thống Ukraine, nhà đàm phán hòa bình Mykhailo Podolyak, một lần nữa đã kêu gọi Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa giúp nước này lật ngược tình thế.

Theo giới chuyên gia, HIMARS sẽ mang tới cho lực lượng Ukraine khả năng tấn công xa hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga. Họ cũng sẽ có thể phát động các cuộc tấn công từ khoảng cách được bảo vệ tốt hơn. Ông Samuel Cranny-Evans, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nhận định: “Nói rộng ra, kho vũ khí pháo binh của Ukraine có tầm bắn xa hơn và nhiều hơn Nga”. Trong khi nếu được nâng cấp, các hệ thống mà Nga đang sử dụng, đặc biệt là BM-30 Smerch, có thể cung cấp hỏa lực bền vững và hủy diệt ở khoảng cách lên tới 90 km hoặc 120 km.

“Trước hết, HIMARS sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng tiếp cận các hệ thống của Nga nếu chúng hoạt động ngoài tầm bắn của lựu pháo. Ngoài ra, các hệ thống tầm xa hơn có thể được sử dụng để can dự vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Nga. Điều này vô cùng quan trọng đối với khả năng duy trì cuộc chiến của Nga”, ông nhận định.

Chuyên gia Cranny-Evans nói thêm rằng hiệu quả của các hệ thống mới cuối cùng sẽ “phụ thuộc vào khả năng của Ukraine trong việc thực hiện các chức năng do thám và thu thập thông tin tình báo từ Nga, đồng thời phối hợp hệ thống đó với các khí tài pháo binh mới khi chúng đi vào hoạt động”.

Tại sao Mỹ gửi HIMARS cho Ukraine vào thời điểm này?

Mỹ đã đau đầu cân nhắc liệu có nên cung cấp loại vũ khí có nguy cơ làm leo thang xung đột ngoài biên giới Ukraine hay không. Từ trước đến nay, Washington đã không công khai hậu thuẫn bất kỳ cuộc tấn công tầm ngắn nào của Ukraine vào trong lãnh thổ Nga - bằng tên lửa, máy bay không người lái hoặc máy bay trực thăng.

Mặc dù về mặt lý thuyết, HIMARS có thể tiếp cận Nga nếu bắn từ khu vực gần biên giới. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết “người Ukraine đã đưa ra cam kết rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này tấn công vào lãnh thổ Nga”. Song Điện Kremlin thẳng thừng tuyên bố Nga không tin cam kết này của chính quyền Kiev.

Mỹ đã tuyên bố họ sẽ không cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao có tầm bắn 300 km. Thay vào đó, loại tên lửa mà Washington cấp cho Ukraine chỉ có tầm bắn khoảng 80 km. Với tầm bắn trên, HIMARS được coi là hệ thống tên lửa tầm trung. Song Lầu Năm Góc thông báo Mỹ không loại trừ khả năng sẽ cung cấp thêm cho Kiev nhiều hệ thống HIMARS nữa sau khi có phản hồi về việc vận hành.

Nga cho biết quyết định chuyên giao HIMARS cho Ukraine của Mỹ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực diện Nga-Mỹ. Điện Kremlin đã chỉ trích gay gắt quyết định của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington đang đổ thêm “dầu vào lửa”.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí vì hành động đó sẽ chỉ kéo dài sự các hoạt động thù địch chứ không thay đổi được kết quả, do đó gây thêm thiệt hại cho Ukraine và người dân nước này. Moskva cũng tuyên bố các kho vũ khí từ phương Tây ở Ukraine là “mục tiêu hợp pháp” của các lực lượng Nga.

Hải Vân/Báo Tin tức (Al Jazeera, RT)
Thiệt hại kinh tế khiến phương Tây bối rối với quy mô 'bơm' vũ khí cho Ukraine
Thiệt hại kinh tế khiến phương Tây bối rối với quy mô 'bơm' vũ khí cho Ukraine

Mỹ đã gửi cho Ukraine 9,8 tỷ USD viện trợ quân sự, nhưng hôm 30/5 quyết định giữ lại lô tên lửa có thể vươn tới Nga và đánh chặn tên lửa đối phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN