Chuyên gia Nga đánh giá về việc Mỹ chấp thuận bán hệ tên lửa Arrow-3 của Israel cho Đức

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một số quốc gia châu Âu đã nghiêm túc hơn nhiều trong việc chi cho quốc phòng của họ.

Chú thích ảnh
Tên lửa Arrow-3 của Israel khai hỏa. Ảnh: Jpost.com

Theo tờ Vedomosti (Nga), Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã phê chuẩn việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) Arrow-3 của Israel cho Đức với giá hơn 3,5 tỷ USD. Trong tương lai gần, Đức sẽ đảm bảo khoản tạm ứng 600 triệu USD cho nhà thầu để bắt đầu thực hiện đơn hàng. Thỏa thuận trên là lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực quốc phòng của Israel, theo Bộ Quốc phòng nước này. 

Các chuyên gia nhận định với Vedomosti rằng hệ thống phòng thủ tên lửa không phải của châu Âu sẽ khiến Berlin tốn ít chi phí hơn khi vũ khí trong kho dự trữ của phương Tây đang giảm dần.

Mikhail Barabanov, nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, tổ chức tư vấn có trụ sở ở Moskva, đánh giá quyết định của Đức có ý nghĩa từ quan điểm kỹ thuật quân sự. 

Ông Barabanov nói với Vedomosti: “Tất cả các dự án quốc phòng của châu Âu đều mất nhiều thời gian và tốn kém, nhưng ở đây chúng ta đang nói về việc mua một sản phẩm hoàn chỉnh. Việc Đức quyết định từ bỏ hợp tác với đối tác Pháp quen thuộc của mình trong một lĩnh vực quan trọng như hệ thống phòng thủ tên lửa làm dấy lên lo ngại về chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo FCAS (Hệ thống Chiến đấu Không quân Tương lai) của châu Âu, hiện đang bị đình trệ". 

Theo ông Barabanov, Pháp và Đức hiện là một số nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, một chính sách đang dẫn đến sự cạn kiệt các kho vũ khí ở châu Âu. Do đó, nhu cầu sản xuất vũ khí mới đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các nhà thầu quốc phòng của hai nước. 

"Một cuộc chạy đua vũ trang thông thường mới đang diễn ra ở châu Âu và không công ty quân sự châu Âu nào muốn nhường thị phần cho các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, tổ hợp công nghiệp - quân sự châu Âu khó có thể đáp ứng nhu cầu của quân đội các nước thành viên EU: Cho đến nay, họ vẫn chưa thể thay thế Mỹ, quốc gia sản xuất nhiều loại vũ khí hơn", chuyên gia Barabanov lưu ý.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra sự thiếu hụt hệ thống phòng không trên mặt đất, chẳng hạn như Patriot của Mỹ hay IRIS-T của Đức được phát triển gần đây, ở nhiều quốc gia phương Tây. Trong khi các hệ thống Patriot và IRIS-T có khả năng phòng thủ ở tầm trung, thì hệ thống Arrow-3 cung cấp khả năng phòng thủ ở tầm cao hơn.

Công Thuận/Báo Tin tức
Israel đồng ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 cho Đức
Israel đồng ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 cho Đức

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Israel ngày 5/4 cho biết nước này và Mỹ đã chấp thuận thương vụ bán hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung Arrow 3 cho Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN